Để nhanh chóng chiến thắng "giặc" Covid-19: Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ!

05/03/2022 07:54

Kinhte&Xahoi Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Để đạt được mục tiêu chiến thắng đại dịch, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, người dân Thủ đô. Trong đó, cùng với sự quyết liệt từ các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp thì ý thức, trách nhiệm của người dân là một trong những yếu tố quyết định.

Còn tâm lý chủ quan

Trên địa bàn Hà Nội, dù được kiểm soát tốt song tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Các địa phương nội thành và ngoại thành đều trong tâm thế căng mình chống dịch.

Chẳng hạn, tại huyện Ba Vì, số ca mắc tiếp tục tăng cao, qua rà soát trong ngày 26/2 ghi nhận 1.771 ca mắc. Lũy tích ghi nhận 16.910 ca nhiễm tại 31 xã, thị trấn. Tương tự, tại thị xã Sơn Tây, tính từ ngày 1/1 đến nay, trên địa bàn thị xã đã ghi nhận 16.221 trường hợp trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có 17 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, địa bàn có 15.389 trường hợp công dân F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà, trong đó đang điều trị 8.781 trường hợp, chuyển tuyến 3 trường hợp, điều trị khỏi 6.605 trường hợp. 4.088 trường hợp công dân F1 đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà, hiện còn trong thời gian cách ly 835 trường hợp, hết thời gian cách ly 3.253 trường hợp.

Tổ chức diễn tập phòng, chống dịch trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Dẫn như vậy để thấy rằng, số người nhiễm tăng trên địa bàn Hà Nội khiến Covid-19 đã và đang trở thành mối lo của Thủ đô. Tuy nhiên, một thực tế là ngoài tồn tại nhiều biến chủng dẫn đến việc lây nhiễm nhanh, số ca nhiễm ngày một nhiều thì nguyên nhân gián tiếp khiến các ca Covid-19 tăng một phần lại xuất phát từ ý thức người dân.

Dễ thấy, nhiều người đã hiểu sai về thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; một bộ phận người dân còn ôm tâm lý “ai rồi cũng là F0” hoặc Covid-19 cũng như dịch như cúm mùa, chỉ vài ngày là khỏi. Chẳng khó để thấy, trên mạng xã hội hiện có không ít những chia sẻ kiểu “ai rồi cũng F0 cả thôi”; “thành F0 thì đỡ mệt mỏi hơn, đi làm an tâm hơn”… đang trở nên phổ biến.

Thậm chí, không ít người còn nghĩ hậu Covid-19 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên việc thực hiện nguyên tắc 5K vô cùng lỏng lẻo.

Hệ lụy là, Covid-19 có thể lây cho bất cứ người nào, bất kỳ lúc nào và có thể nhiễm lại nhiều lần, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp chị P.T.H (nhân viên văn phòng, quận Bắc Từ Liêm) là ví dụ.

Theo chia sẻ của chị P.T.H lần đầu chị bị mắc Covid-19 là trước Tết Nguyên đán 1 tháng, sau đó phải điều trị và cách ly tại nhà 7 ngày thì khỏi. Dù khỏi bệnh trước Tết nhưng để giữ cho mình và mọi người xung quanh, chị không tiếp xúc với nhiều người. Hết kỳ nghỉ, do mới mắc Covid-19 nên chị P.T.H cũng yên tâm, thậm chí có lúc tự tin đi ra ngoài ăn uống vì nghĩ bản thân tiêm 3 mũi vắc xin, lại mới mắc Covid-19 nên kháng thể sẽ rất mạnh. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng đi làm, chị P.T.H thấy người hơi mệt, sốt, qua test nhanh thì phát hiện tiếp tục bị dương tính.

Trường hợp của chị P.T.H chỉ là một trong số rất nhiều người mắc Covid-19 thời điểm hiện tại. Và cũng là minh chứng cho việc không thể đùa được với dịch bệnh. Nhất là khi Covid-19 nguy hiểm và biến hóa khôn lường.

Nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân

Với những diễn biến của tình hình dịch Covid-19 trong cả nước, các chuyên gia cho rằng, “cuộc chiến” chống Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài. Đối với thành phố Hà Nội, với đặc điểm là tập trung dân số đông với nhiều trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp... Hà Nội luôn quán triệt tinh thần vào cuộc “tổng lực” của các cấp, các ngành, các lực lượng và mỗi người dân Thủ đô.

Trong giai đoạn này, Hà Nội nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo từ quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn; hướng dẫn người dân phòng, chống dịch thích ứng, linh hoạt; thường xuyên theo dõi, nắm rõ các trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, điều trị tại nhà; tập trung cao độ vào các trường hợp chuyển tầng, thể nặng…

Để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, các ngành chức năng của Hà Nội cũng chỉ rõ phải phân bổ lực lượng cán bộ y tế phù hợp kịp thời chăm sóc F0; vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể hỗ trợ. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đánh giá số liệu, đặc biệt quan tâm đến nhóm nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, trẻ em chưa được tiêm, số F0 là trẻ em…

Công tác điều trị cho người dân bị nhiễm Covid-19 trên địa bàn Hà Nội được chú trọng.

Trở lại câu chuyện một bộ phận người dân vẫn đang ôm tâm lý “ai rồi cũng là F0”, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chung sức vượt qua đại dịch” do báo Đầu tư tổ chức, PGS.TS.Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, điều này sẽ rất nguy hiểm.

Theo PGS.TS.Nguyễn Văn Chi, mới đây các cơ quan y tế đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid-19. Hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội… Trước Covid-19, để đảm bảo an toàn, mỗi người cần thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ, thực hiện 5K… để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và cộng đồng.

Rõ ràng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cho thấy, ý thức của người dân là một trong những chìa khóa then chốt để chiến thắng đại dịch. Người dân cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của ngành y tế để phòng ngừa nhiễm bệnh cho bản thân và lây nhiễm cho người khác. Mỗi cá nhân cần ý thức rằng, bằng những việc làm phù hợp với khả năng, điều kiện của mình cần chung tay, góp sức cùng xã hội trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

 Giang Nam - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://laodongthudo.vn/de-nhanh-chong-chien-thang-giac-covid-19-moi-nguoi-dan-hay-la-mot-chien-si-136935.html