Ảnh minh họa. (Nguồn: SK&ĐS)
Hiện nay Bộ GD&ĐT phát động khoảng chục cuộc thi mỗi năm, gồm thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thi khoa học kỹ thuật, tìm hiểu an toàn giao thông, Hội khỏe Phù Đổng... Tuy nhiên, một số trường học còn tổ chức kêu gọi giáo viên, học sinh tham gia các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh, văn nghệ, thể thao trong và ngoài nước.
Tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng GD&ĐT tổ chức mới đây, một số giáo viên đã phản ánh vấn đề này, cho rằng cần giảm các cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục. Một giáo viên mầm non tại Hậu Giang cho rằng trong và ngoài trường học hiện có nhiều cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh, có thể địa phương phát động. Vì vậy, giáo viên sẽ gặp áp lực, không có thời gian chăm sóc gia đình nếu tham gia những cuộc thi.
Một nhân viên thư viện tại Cà Mau thì cho rằng một số cuộc thi nghiên cứu khoa học chưa phù hợp với trình độ học sinh THCS; tổ chức thi như hiện nay vừa hình thức, vừa bị cuốn theo thành tích. Một giáo viên Ngữ văn tại TP HCM đánh giá một số cuộc thi lúng túng trong cách tổ chức, máy móc, gây tốn kém tiền bạc, công sức mà không hiệu quả. Giáo viên này cho rằng cần rà soát sắp xếp lại các cuộc thi, trong đó quy định lộ trình, thời gian, thời lượng cụ thể để phù hợp với giáo viên, học sinh, không làm ảnh hưởng tới chuyên môn của thầy cô và thời gian học của các em.
Trả lời những vấn đề trên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết những cuộc thi do Bộ tổ chức đã có danh mục cụ thể, ban hành thống nhất cả nước thì các đơn vị tham gia; còn những cuộc thi do địa phương, bộ, ngành khác, nếu không bắt buộc thì giáo viên, trường học có thể lựa chọn. Trường hợp này, vai trò hiệu trưởng rất quan trọng. Lãnh đạo Bộ nói rõ “các địa phương không nên tổ chức các cuộc thi hình thức, điều này làm khổ giáo viên, học sinh” và khẳng định sẽ đánh giá tính hữu ích, hiệu quả của các cuộc thi của Bộ rồi sẽ quyết định; xu hướng là tinh gọn, giảm các cuộc thi không cần thiết.
Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, không chỉ nên nghe ý kiến một chiều mà vội khẳng định điều gì. Như với một số cuộc thi là sân chơi đã được tổ chức nhiều năm, được đông đảo giáo viên, học sinh hưởng ứng; phù hợp với mục tiêu học đi đôi với hành, hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo của học sinh; thì cần phải duy trì. Tất nhiên cuộc thi nào, hội thi nào cũng cần đổi mới, sắp xếp điều chỉnh để thực chất, phù hợp lứa tuổi học sinh, xu hướng cuộc sống.
Còn một điều khó có thể phủ nhận, là đặc thù của việc học, phải gắn với thi đua, thì hiệu quả của việc học mới được nâng cao, mới làm cho bản thân mỗi học sinh và giáo viên giỏi hơn, tốt hơn. Vì vậy, điều quan trọng là vừa rà soát số lượng các cuộc thi; vừa định hướng các cuộc thi, hội thi làm sao thực chất, đặt trên nền tảng thực hành, ứng dụng của học sinh và giáo viên.
Minh Khang - Pháp luật Plus