Để từ thiện đúng luật

23/10/2020 11:32

Kinhte&Xahoi Hiện nay việc nhiều người tự đứng lên vận động, kêu gọi quyên góp từ thiện trở nên phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng được phép làm việc này theo quy định hiện hành.

Nhiều đoàn xe từ thiện đang hướng về miền Trung.

Ai được kêu gọi, tiếp nhận, phân bổ tiền và hàng hóa từ thiện?

LS Phạm Hoài Nam (Đoàn LS TP HCM): “Phải nói rằng, tinh thần Nghị định (NĐ) 64 không phải nhằm mục đích cấm cá nhân kêu gọi làm từ thiện, ủng hộ. Tránh tình trạng lợi dụng trục lợi trên danh nghĩa kêu gọi ủng hộ, lợi dụng mà Nhà nước không kiểm soát được nên mới xuất hiện NĐ 64”.

NĐ 64 chia việc từ thiện thành 2 giai đoạn. Thứ nhất là kêu gọi, vận động và thứ hai là tiếp nhận, phân bổ.

Việc vận động, kêu gọi được quy định tại Điều 2 NĐ 64, thì tất cả mọi cá nhân, đoàn thể đều được phép. Nhà nước còn khuyến khích, hoan nghênh.

Việc tiếp nhận, phân bổ là quan trọng nhất vì dễ gây xảy ra tiêu cực. Cho nên Nhà nước mới buộc phải quản lý. Tức những cơ quan tổ chức nào của Nhà nước hoặc được Nhà nước công nhận, cho phép được quy định tại Điều 5, NĐ 64. Các tổ chức, đơn vị tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ bao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Như vậy, cá nhân chỉ được phép kêu gọi, vận động chứ không được tiếp nhận, phân bổ. Muốn tiếp nhận, phân bổ cá nhân buộc phải lựa chọn một trong những tổ chức tại Điều 5, cùng kết hợp.

Cần kết hợp với cơ quan có thẩm quyền 

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM): Nghị định 64/2008/NĐ-CP chỉ quy định cho tổ chức, đơn vị mới được tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ. Cá nhân chỉ được đóng góp tiền, hàng cứu trợ. “Nghị định 64/2008/NĐ-CP ban hành nhằm hạn chế tình trạng cá nhân lợi dụng việc kêu gọi, tiếp nhận tiền hàng cứu trợ rồi trục lợi. Trên thực tế cũng đã xảy ra những trường hợp trục lợi đã bị xử lý. Để làm từ thiện đúng pháp luật, cá nhân hoặc tổ chức không phải quỹ từ thiện nên vận động và kết hợp với cơ quan có thẩm quyền để việc làm từ thiện an toàn, hiệu quả tránh tình trạng người nhận nhiều nhưng người không nhận được lòng tốt của người từ thiện”.

“Thêm vào đó nữa là trường hợp 1 người nhận quá nhiều 1 loại hàng hóa như mì tôm chẳng hạn thì dùng không hết mà những nhu yếu phẩm khác thì lại không có để dùng. Cá nhân hoặc tổ chức không phải quỹ từ thiện khi nhận được tiền, hàng cứu trợ thì nên liên hệ với cơ quan có thẩm quyền và có sự hợp tác chặt chẽ để tránh tình trạng tiêu cực xảy ra về cả 2 phía”.

“Cá nhân khi quản lý không tốt tiền, hàng cứu trợ nếu bị phát hiện mà không chứng minh được thì dễ bị chế tài của pháp luật xử lý. Cá nhân không cẩn thận cũng có thể bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng để sử dụng tiền bất hợp pháp đi cứu trợ rồi sau đó tuyên truyền làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân làm từ thiện. Niềm tin của người đi làm từ thiện là quan trọng nhưng việc tuân thủ pháp luật cũng quan trọng không kém”.

Còn LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) nêu ý kiến: “Cá nhân tôi thấy, NĐ 64 đã không còn phù hợp. Vì trường hợp trục lợi từ thiện đã có biện pháp xử lý trong Bộ luật Hình sự. Có chế tài chi phối tiêu cực thì cần bãi bỏ hoặc sửa đổi một NĐ không còn phù hợp”. 

Làm gì để phát huy sức mạnh toàn dân trong từ thiện?

Theo các LS, Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã ban hành từ năm 2008 đến nay đã có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay vì tại thời điểm ban hành Nghị định thì các phương thức kêu gọi đóng góp từ nhân dân chủ yếu thông qua báo đài, truyền hình, vai trò của các cá nhân đang còn yếu. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội ngày nay thì việc kêu gọi, vận động từ thiện là vô cùng nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt là đối với những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, dẫn đến các quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã xuất hiện nhiều điểm lạc hậu, hạn chế cần phải điều chỉnh để quản lý, phát huy vai trò của người dân trong hoạt động từ thiện.

Cần phải hiểu rằng việc cá nhân, tổ chức quyên góp tiền, hàng cứu trợ cho cá nhân khác (có đủ khả năng, uy tín) làm từ thiện là hoạt động ủy thác của những nhà hảo tâm cho cá nhân, tập thể đó để thay mình cứu trợ, giúp đỡ những người bị nạn; Do đó, pháp luật cần thừa nhận đây là giao dịch dân sự hợp pháp nên các cá nhân, tổ chức có thể tự mình đứng ra kêu gọi ủng hộ, quyên góp từ nhân dân để thực hiện các hoạt động từ thiện mà không bắt buộc phải thông qua các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, cần phải xác định rõ số tiền, hàng cứu trợ được quyên góp không phải là tài sản của cá nhân đứng ra kêu gọi, tiếp nhận mà là tài sản của người quyên góp giao cho họ thay mình thực hiện các hoạt động từ thiện. Do đó, việc các cá nhân tự tổ chức các hoạt động từ thiện cũng cần phải đảm bảo tính minh bạch, có các chứng cứ về việc đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp như thế nào để Nhà nước, người dân có thể giám sát, quản lý.

Với một số kinh nghiệm của những cá nhân, tập thể đã tổ chức các hoạt động từ thiện, cứu trợ cho nhiều trường hợp bị thiệt hại do bão lũ, thiên tai gây ra thì người làm từ thiện cần thông báo trước cho chính quyền địa phương nơi mình dự kiến làm từ thiện, cứu trợ để chính quyền biết, phối hợp thực hiện và có xác nhận nhằm đảm bảo việc cứu trợ đúng người, đúng đối tượng và minh bạch trong hoạt động từ thiện; đừng vì lo ngại chính quyền địa phương gây khó khăn hoặc cho rằng làm từ thiện mà không yêu cầu chính quyền xác nhận để tránh những hiểu lầm không đáng có ảnh hưởng đến bản thân.

Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh chia sẻ năm 2016, các luật sư của Diễn đàn luật sư LOF đã tổ chức trao tặng một số trâu, bò cho một số người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Quảng Bình. Nhóm của anh đã thông báo và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ, phối hợp từ chính quyền địa phương để trao tặng những món quà của mình đến đúng tay những người khó khăn giúp họ phần nào ổn định được cuộc sống.

Hoặc trong trường hợp chính quyền địa phương đang phải giải quyết các vấn đề khẩn cấp như cứu hộ đê điều, người bị nạn… không thể chứng kiến, xác nhận ngay được thì các cá nhân, tập thể cần phải lưu giữ các chứng cứ, hình ảnh, thông tin ghi nhận quá trình từ thiện của mình; sau khi thiên tai đã được khắc phục thì các cá nhân, tập thể làm từ thiện cần liên hệ chính quyền địa phương để tiến hành xác minh, xác nhận để đảm bảo sự minh bạch, uy tín của mình.

Hoạt động từ thiện, chung tay cùng Nhà nước cứu trợ người dân khi gặp thiên tai là hoạt động đáng quý và cần khuyến khích, phát huy. Vì vậy, nhiều LS cho rằng cần điều chỉnh những quy định còn hạn chế, đồng thời có các quy định, thủ tục phù hợp để người dân thiện nguyện có thể dễ dàng đăng ký cũng như có cơ chế để quản lý việc tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp và ràng buộc trách nhiệm của họ để đảm bảo hoạt động từ thiện đúng mục đích, minh bạch, tránh để các đối tượng xấu trục lợi.

B.Yên - H.Ngọc - K.Giang

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-tu-thien-dung-luat-d138675.html