Để xe buýt thêm "hút" khách...

15/02/2024 10:02

Kinhte&Xahoi Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt, Hà Nội sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện mạng lưới tuyến theo hướng tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả. Trong đó, thành phố sẽ tổ chức các tuyến buýt sức chứa nhỏ để kết nối với các tuyến đường sắt đô thị; triển khai làn đường ưu tiên nhằm nâng tốc độ vận hành xe buýt…

Hành khách chờ xe buýt tại Trạm trung chuyển Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm

Sản lượng chưa như kỳ vọng

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới; đầu tư đổi mới phương tiện; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sản lượng hành khách vẫn chưa được như kỳ vọng. Đến thời điểm này, hệ thống vận tải công cộng của Thủ đô mới chỉ đáp ứng được 19,05% nhu cầu đi lại của hành khách (mục tiêu đề ra đến năm 2025 đạt 30-35%).

“Mạng lưới xe buýt của Thủ đô hiện có độ “phủ sóng” rất rộng, tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của xe buýt là chưa đúng giờ nên chưa thực sự hấp dẫn hành khách”, chị Nguyễn Thùy Vân (khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) chia sẻ.

Năm 2023, qua rà soát (giai đoạn 1), Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định được 71 tuyến xe buýt thuộc đối tượng cần phải xem xét điều chỉnh. Trong đó, 6 tuyến phải dừng hoạt động; 9 tuyến điều chỉnh lộ trình; 43 tuyến điều chỉnh tần suất; 13 tuyến kết hợp điều chỉnh tần suất và lộ trình.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, phương án trên sẽ tiết giảm được khoảng 11,45 triệu kilômét hành trình/năm, tương ứng tiết kiệm 212,23 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, kết quả như trên mới chỉ là dự kiến ban đầu. Giai đoạn 2 khi đưa hệ thống thẻ vé điện tử liên thông vào hoạt động sẽ có số liệu chính xác về sản lượng, doanh thu đối với từng tuyến. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện mạng lưới tuyến xe buýt theo hướng tối ưu hóa, phát huy hiệu quả hoạt động.

Về hạ tầng xe buýt, toàn mạng lưới hiện có 4.405 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá, hạ tầng xe buýt hiện chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của mạng lưới, dẫn tới không bảo đảm các điều kiện khai thác. Đặc biệt, việc nâng tốc độ di chuyển của xe buýt (được coi là yếu tố quyết định thu hút người dân sử dụng) đang là một trở ngại rất lớn. Thực tế hiện nay, ùn tắc giao thông khiến tốc độ khai thác bình quân của xe buýt trong khu vực nội thành chỉ đạt 16,6km/giờ (ngoại thành là 26,8km/giờ). Vào các khung giờ cao điểm, tốc độ khai thác của nhóm tuyến buýt nội thành chỉ còn 12,7km/giờ. Phương tiện dù tốt, giá vé hợp lý, khả năng kết nối bảo đảm nhưng tốc độ chậm cũng khó có thể thu hút, hấp dẫn người dân.

Tuyến xe buýt nhỏ số 122 đón khách tại điểm dừng trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Đồng bộ các giải pháp

Đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt chủ lực của thành phố, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Thanh Nam cho biết, trong năm 2024, Transerco sẽ tập trung rà soát, đánh giá tổng thể các tuyến xe buýt, từ đó đề xuất xây dựng phương án tối ưu theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, xử lý nghiêm vi phạm và nâng cao kỷ luật chạy xe, thái độ phục vụ và chấp hành pháp luật.

Tổng công ty cũng chú trọng công tác bảo dưỡng sửa chữa, quản lý kỹ thuật, chất lượng đoàn phương tiện; tiếp tục triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cung cấp thêm tiện ích cho hành khách và hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành xe buýt; khai thác có hiệu quả dữ liệu thông qua hệ thống giám sát hành trình để ngăn ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận hành.

Đề cập đến những định hướng phát triển mạng lưới xe buýt trong năm 2024 và các giai đoạn tiếp theo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường thông tin, xe buýt cùng với đường sắt đô thị được xác định là phương tiện công cộng nòng cốt của người dân trong đô thị. Công tác phát triển mạng lưới xe buýt có kế hoạch trung hạn, hằng năm và được điều tiết, điều chỉnh theo nhu cầu thực tế. Hệ thống xe buýt cần được bố trí làn đường ưu tiên tại những tuyến đường có đủ điều kiện về hạ tầng.

Trong đó, định hướng phát triển mạng lưới tuyến được xác định cụ thể theo giai đoạn, lộ trình cụ thể, bảo đảm một số nguyên tắc chính như: Phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của tuyến và bảo đảm tính ổn định của mạng lưới; phù hợp với tiến độ đầu tư hình thành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị và có vai trò thu gom, tạo điều kiện cho hành khách sử dụng các tuyến đường sắt đô thị…

Bên cạnh đó, từng bước chuẩn hóa phương tiện, chuyển sang phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phân luồng giao thông, quản lý phương tiện; tạo không gian đi bộ trên các hè phố để thu hút người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Tổ chức các tuyến xe buýt sức chứa nhỏ kết nối phù hợp các điểm trung chuyển, đầu mối giao thông và kết nối với hệ thống đường sắt đô thị…

Tuấn Khải - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội: Tiền đề phát triển bền vững

Hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều đổi mới, chủ động “từ sớm, từ xa”, thận trọng, chặt chẽ để các dự thảo luật, nghị quyết đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/de-xe-buyt-them-hut-khach-658381.html