Để xuân mãn khai với tất cả mọi người...

15/03/2022 09:23

Kinhte&Xahoi Những ngày giữa tháng 3, nhiều người Hà Nội vẫn như muốn nối dài ngày xuân với những loài hoa, cây đặc trưng của đầu năm như mai, đào, lê, quất… Để xuân mãn khai với tất cả mọi người thì sự thưởng thức của chúng ta cũng nên văn minh, chớ ảnh hưởng thậm chí trở thành gánh nặng với người khác.

“Chơi xuân có biết xuân chăng tá”?

 Người viết bài phải mượn câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với phần nghĩa đen của câu này để nói về thú thưởng thức cây, hoa “xuân muộn” của một số người tại Hà Nội. Bây giờ đã gần cuối mùa xuân nhưng thi thoảng trên các chợ nhóm online hoặc chợ truyền thống, các loại hoa của mùa xuân vẫn được bán khá nhiều.

Nhất là vào những ngày rằm, mồng một, tiếc những cành hoa nở muộn, vả lại nhu cầu chơi xuân của khách vẫn còn nên người bán vẫn mang hoa đào cành, đào bích, hoa cúc thúy và “cành củi khô nở hoa” (tức hoa lê) đi bán. Không khí vẫn còn dịu mát, các ca bệnh lại tăng cao, nhiều người “ở tịt” trong nhà nên nhu cầu được trang hoàng không gian sao cho khỏi nhàm chán, bí bách là điều rất đáng hoan nghênh. Đây cũng là nét tao nhã, là thú chơi rất Hà Nội bởi người Thủ đô nổi tiếng là sành chơi, chịu chơi, yêu cái đẹp.

Ngắm những cành hoa ở chợ bạn thấy nó có đẹp không? Ngắm những cành hoa bung nở trong chiếc lọ xinh xắn, trong chiếc bình gốm vuốt tay độc đáo, trong không gian ngôi nhà ấp áp ánh đèn, làm một góc mùa xuân của bạn bừng lên trong một góc nhà, bạn có thấy đẹp không? Vậy thì, hãy để cành hoa ấy được đẹp cho đến giây phút cuối cùng, cũng chính là để cái thú chơi hoa của bạn được trọn vẹn nhé.

Những cành hoa vứt chỏng chơ tại bãi rác không chỉ khiến những bông hoa "tủi thân", người đi đường, công nhân vệ sinh môi trường khó chịu mà còn gợi nên sự thiếu "thủy chung" của người chơi hoa

Bạn nâng niu, trầm trồ cành hoa ấy ra sao, “phải lòng” nó ngay từ cái nhìn đầu tiên ở chợ, quyết định chọn nó về nhà, để nó trong vị trí trang trọng tại ngôi nhà mình, nó “sống” với bạn một quãng thời gian huy hoàng thế nào, cùng bạn và những người thân quây quần bên nhau trong không gian thân thiết, quen thuộc cũng có thể coi là sự gắn bó. Đến khi nó tàn, bạn nỡ lòng nào thẳng tay vứt nó ra đường như chưa từng quen biết?

Nhìn những cành hoa đào, hoa thúy, hoa lê hay cây quất tàn tạ, héo rũ nằm chỏng chơ ở ngoài đường, thậm chí trên bãi rác bẩn thỉu, người nhạy cảm sẽ không khỏi chạnh lòng vì sự phũ phàng của người chơi hoa. Không thủy chung, trân trọng, nâng niu hoa từ đầu đến cuối đã đành, mà ở đây còn là lối ứng xử giữa người với cái đẹp và cả người với người.

“Vẫn biết rằng, dù là hoa thì khi tàn cũng chỉ là một loại rác nhưng nếu biết đối xử với “rác đặc biệt” đó một cách có suy nghĩ, có chuẩn bị hơn thì sẽ đỡ gây chướng mắt hơn. Bây giờ không rầm rộ như lúc ra Tết nhưng thi thoảng vẫn có những cành đào, cây quất nằm chỏng chơ trên bãi rác nước đọng đen ngòm, ruồi muỗi bay hàng đàn và mùi xú uế bốc lên khiến ai nấy nhăn mặt.

Hơn nữa, cành đào, cây quất lại quá to hoặc dài, cồng kềnh. Nếu không có những người nông dân đi thu gom cây quất vứt đi về trồng thì những đào, quất ấy sẽ ở lại khá lâu trên bãi rác vì người công nhân vệ sinh môi trường sẽ ưu tiên dọn rác thải sinh hoạt trước. Thế là, có khi ngày này qua ngày khác những loài cây, hoa đặc trưng mùa xuân, mang cả không khí xuân vào ngôi nhà ấy nay lại lạc lõng, trở thành thứ cản trở, thành loại rác khó ưa, khó chịu tại bãi rác. Nhìn cứ thấy buồn buồn”, chị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ.

Còn chị Hòa (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì kể, cách đây mấy ngày, chị đang dẫn con đi dạo dưới sân khu chung cư thì bỗng hết hồn thấy một loạt “bom” dội từ trên cao xuống. May là chị và con chỉ bị trúng vào vai nhưng bị giật mình một phen. Điều đáng nói là những “quả bom” không gây sát thương hai mẹ con chị kia là những quả quất lăn lông lốc trên đường. Mấy cháu bé đi xe đạp chèn vào nát bét chảy nước ra trông rất phản cảm.

Bên cạnh đó, còn có cả những cành quất nhỏ lả tả rơi xung quanh. Chị Hòa đoán nhà nào đó hết Tết giữ cây quất lại để trồng làm cây cảnh, đồng thời là thứ gia vị có sẵn trong nhà. Họ tỉa bớt cành cũ đi để cây ra cành mới, ra hoa mới. Giá kể họ ý thức hơn, cho hẳn vào ban công rồi hãy tỉa chứ đừng tỉa thẳng lúc cây đang ở trên lan can như vậy thì sẽ không rơi xuống sân, gây giật mình cho người khác và bẩn cả khu vui chơi chung.

Ý thức hơn để thú vui của mình đừng thành gánh nặng cho người khác

 Đang vội đi trên đường, chị Phương Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn không thể rời mắt trước hai “bó củi” được chặt thành từng đoạn nhỏ, bó gọn gàng để ngay ngắn bên đường. Người hay cắm hoa như chị đương nhiên liếc nhìn cái là nhận ra ngay, đó không phải là “củi”. Người Hà Nội bao lâu nay làm gì có khái niệm đun củi nữa. Đó là một cành hoa lê khá to. Khi tàn hết hoa, chủ nhà đã chặt nhỏ bó gọn để sát tường để không cản trở giao thông, tiện khi người thu gom rác khi đi qua sẽ nhặt lên luôn.

Trong khi đó, chỉ hành động nhỏ này thôi cũng sẽ giống như những bông hoa góp thêm niềm vui và lối ứng xử đẹp cho đời

Chị Hòa tấm tắc mãi: “Nói thật, nếu mình là công nhân vệ sinh môi trường mình cũng rất có cảm tình với hai “bó củi” kia. Nhặt lên nhẹ nhàng cho vào thùng xe ngay, không tốn diện tích của những thứ rác khác. Người chơi hoa này hẳn nhiên rất biết thưởng thức. Cành hoa lê sau khi mãn khai, kết thúc nhiệm vụ làm đẹp cho ngôi nhà của anh/chị ấy cũng cảm thấy “mát lòng” vì chủ nhà có ý thức trọn vẹn với công cuộc chơi hoa kì công của mình. Chặt từng đoạn nhỏ ra như thế kia người ta phải có thời gian, chú tâm vào làm việc, phải dùng dao rất sắc hoặc cưa”.

Chị nhận xét người chơi hoa này có lối ứng xử nhân văn với cành hoa của mình đã đành mà anh/chị ấy còn biết thương người công nhân vệ sinh môi trường nữa. Không phải chỉ cắm hoa xong là vứt toẹt ra đường, việc còn lại mặc kệ người dọn. Một cành hoa cồng kềnh không chỉ chiếm chỗ của những thứ rác khác mà còn gây nên ức chế, ngao ngán cho công nhân vệ sinh.

Trong khi đó, chỉ với vài nhát dao hoặc cưa, hành động này sẽ khiến công cuộc chơi hoa trở thành thú vui tao nhã, thực sự là sự trân trọng cái đẹp và có ý thức với những người xung quanh. Chỉ là lối ứng xử rất nhỏ ấy thôi mà người này đã khiến chị Hòa cảm động, chắc cũng khiến người công nhân vệ sinh môi trường thấy có cảm tình hơn và mỗi chúng ta cũng học được chút gì đó cho hành động của mình.

Bởi trong cuộc sống, đôi khi chỉ là một vài việc rất nhỏ thôi nhưng mỗi người cùng cố gắng, cùng duy trì thì sẽ lan tỏa thành những hành động đẹp, tạo nên lối sống đẹp. Có như thế, mùa xuân mới trọn vẹn, cuộc sống mới trọn vẹn.

 Cẩm Tú - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bộ Y tế quy định F0 không được ra khỏi nhà

Tối 14-3, Bộ Y tế khẳng định, theo Quyết định 604/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19, F0 không được ra khỏi nhà. Ngoài ra, F0 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-xuan-man-khai-voi-tat-ca-moi-nguoi-191798.html