Ảnh minh họa.
Bộ này kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN BOT do ảnh hưởng của dịch Covid-19, “kêu ca” giúp DN rằng doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Bộ GTVT cho rằng lý do vì giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm và giảm giá vé theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016. Bên cạnh đó, do sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng, quý, năm; lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo.
Bộ GTVT tiếp tục “kể khổ” giúp DN: “Những khó khăn, vướng mắc trên chưa được giải quyết thì từ đầu năm 2020 dịch Covid-19, các DN BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu giảm, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo”.
Sau khi nại ra một loạt “lý do” như vậy, Bộ này kiến nghị, hoặc là cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án, kèm thêm điều kiện “chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí”, có lẽ để nhằm đối phó với sự giận dữ của các chủ phương tiện; hoặc là giữ nguyên mức phí như hiện tại, nhưng Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.
Có lẽ thấy phương án 1 “dễ ăn” hơn sau khi một số người phản ứng với BOT quá mức đã bị xét xử mới đây, Bộ GTVT “kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách nhà nước”.
Đề xuất trên được đưa ra ngay sau khi một lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam bị bắt giữ vì sai phạm trong xây dựng vận hành cao tốc. Đã quá nhiều vết chàm, vết nhơ trong câu chuyện này, nên nhiều đánh giá cho rằng đề xuất trên của Bộ GTVT là một đề xuất đáng xấu hổ vì nhiều lý do.
Thứ nhất, vì sao việc Bộ cần phải làm ngay để minh bạch, hoàn thành chỉ đạo của Chính phủ, như dự án thu phí không dừng thì vẫn “quyết chưa hoàn thành”, mà đi kêu cho DN? Thứ hai, cả xã hội bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, sao lại có thể đòi đổ thêm gánh nặng lên đầu dân, để nhẹ gánh nặng cho DN BOT? Thứ ba, đã là DN thì kinh doanh “được ăn, thua chịu”; đã dự đoán sai thì phải chịu lỗ, thậm chí phá sản; sao đòi Nhà nước “bù lỗ”, như thế đâu phải là kinh tế thị trường? Thứ tư, vấn đề BOT đã là câu chuyện quá “nóng”, gây bất ổn nhiều năm nay, sao nay lại có thể đưa ra một đề xuất kiểu “đổ thêm dầu vào lửa”như vậy?