Đề xuất giảm kịch sàn thuế môi trường với xăng dầu: Chính phủ chỉ đạo "nóng"!

04/07/2022 09:31

Kinhte&Xahoi Chính phủ vừa quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 3/7/2022 của Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 4/7/2022 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.

Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 4/7/2022 về dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.

Trước đó, để tiếp tục góp phần ổn định giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát, thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8/6/2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ảnh minh họa

Dự án Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Ngày 29/6, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định về dự án Nghị quyết. Bộ Tài chính đã hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết và trình Chính phủ ngay trong ngày 30/6 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 7/2022.

Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức 300 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa vẫn giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo tính toán trên cơ sở dự kiến sản lượng tiêu thụ như năm 2019, nếu thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.

Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng giảm thu ngân sách Nhà nước do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 khoảng 32.538 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 21/6/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 20,47% đối với xăng E5RON92, khoảng 21,41% đối với xăng RON95 và khoảng 11% đối với dầu diesel.

Không chỉ thuế bảo vệ môi trường, để đa dạng hóa nguồn cung xăng (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính cho biết đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (dự thảo Nghị định đang được gửi xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp).

Bộ Tài chính hiện đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022). Theo đó, trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.

Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN từ 20% xuống mức phù hợp như đã báo cáo nêu trên, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quảng Ninh trên đà phục hồi kinh tế sau dịch bệnh

Sau khi thành công thực hiện “mục tiêu kép”, Quảng Ninh tiếp tục bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Bằng những nỗ lực và đường lối đúng đắn đã giúp Quảng Ninh tạo những bứt phá trong phát triển kinh tế, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu đã đề ra trong nửa đầu năm 2022.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-xuat-giam-kich-san-thue-moi-truong-voi-xang-dau-chinh-phu-chi-dao-nong-200153.html