Đề xuất lùi thời hạn xử phạt xe kinh doanh không lắp camera: Lợi bất cập hại

16/06/2021 08:35

Kinhte&Xahoi Việc các DN vận tải gặp khó vì Covid-19 là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lý do này mà lùi thời hạn xử phạt xe kinh doanh không lắp camera như Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ là thiếu thuyết phục. Đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Nhiều DN đề xuất lùi thời hạn bắt buộc lắp camera do gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Điệp

Doanh nghiệp đang khó khăn

 Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Không lâu sau, Bộ GTVT cũng có văn bản kiến nghị lên Chính phủ cho phép chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 100/CP đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải. Theo Bộ GTVT, ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đã khiến các DN vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có lúc bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch, số lượng khách giảm sút. Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị kinh doanh vận tải e ngại và chưa muốn lắp camera, tâm lý lo sợ sẽ bị các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các hình ảnh vi phạm được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam khiến việc triển khai xử phạt xe kinh doanh không lắp camera gặp khó khăn. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện nhiều DN vận tải hành khách bằng ô tô thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như tài chính. Việc lắp đặt camera vào thời điểm này sẽ khiến nhiều DN khó càng thêm khó. “Từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, lượng hành khách đi ô tô của chúng tôi giảm tới 90%. Hiện nay, chúng tôi chỉ cố gắng duy trì chạy xe để giữ tuyến, giữ slot chứ thực tế càng chạy càng lỗ” – Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh Nguyễn Duy Ninh cho biết.

Không thể thờ ơ với an toàn của hành khách

Mặc dù các DN vận tải đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, song theo nhận định của các chuyên gia, việc lắp đặt camera giám sát hành trình là nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến. Điều này cũng là bảo vệ quyền lợi, an toàn tính mạng của chính hành khách trên xe.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, việc kiểm soát chặt vận tải hành khách là giải pháp quan trọng nhằm khóa chặt nguồn lây từ địa phương này sang địa phương khác. Thực tế, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển người trái phép từ vùng dịch về.

Gần đây nhất, đêm 12/6, lực lượng chức năng huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã phát hiện một chiếc xe cứu thương nhồi nhét 11 người từ Bắc Ninh về, có ý định vượt chốt kiểm soát dịch Covid-19. Bước đầu, những người trên xe khai nhận đi từ tỉnh Bắc Ninh về Sơn La với mức giá 300.000 đồng/người.
Cùng ngày, qua tuần tra kiểm soát Tổ công tác của Trạm cửa ô Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã phát hiện xe container do tài xế Phan Văn Chính (SN 1986, trú tỉnh Ninh Bình) điều khiển khi ngang qua chốt kiểm dịch tại khu vực Quốc lộ 14B, huyện Hòa Vang có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã kiểm tra bên trong xe. Qua đó phát hiện trong container có chở 5 người từ TP Hồ Chí Minh đi ra các tỉnh phía Bắc “né” kiểm tra y tế tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Đà Nẵng...

Sớm hoàn thiện quy chuẩn hệ thống giám sát

Nhận định về kiến nghị mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT vừa đưa ra, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng khẳng định, việc lắp đặt camera giám sát trên xe khẳng định nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng cao ATGT trong bối cảnh rất nhiều vụ TNGT liên quan đến xe khách và xe container xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua. Việc lắp đặt camera không chỉ là nhu cầu của cơ quan chức năng trong việc nâng tầm quản lý về an toàn đối với các phương tiện này, mà còn phù hợp với cả nhu cầu của chính DN vận tải.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hiện nay, cả nước có khoảng 100.000 xe khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera giám sát theo quy định tại Nghị định 10/2020. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 20% DN đã lắpcamera phục vụ nhu cầu quản lý, số còn lại đều chưa thực hiện lắp đặt. Một trong những nguyên nhân khiến cho các DN còn lưỡng lự là đang chờ đợi một hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ các cơ quan quản lý Nhà nước về việc lắp đặt camera sao cho đúng cách, đúng chủng loại... Bởi đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn chưa công bố quy chuẩn của hệ thống camera giám sát để các DN có cơ sở thực hiện.

Trên thực tế, hiện có nhiều DN đã lắp camera trên xe để phục vụ hoạt động kinh doanh nhưng giữa nhu cầu tự thân của DN khác với nhu cầu của cơ quan quản lý. Đơn cử, hệ thống camera của DN chủ yếu giám sát hoạt động của tài xế, trong khi cơ quan quản lý lại muốn giám sát cả cửa lên xuống và khoang hành khách. Thế nên, nhiều DN băn khoăn, hệ thống camera mà họ đã lắp đặt liệu đã phù hợp với yêu cầu của Bộ GTVT hay chưa?

Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT thông tin, Bộ vẫn sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đơn vị kinh doanh vận tải khắc phục khó khăn, thực hiện lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo theo quy định của Nghị định 10, để góp phần tăng cường theo dõi, giám sát lái xe, bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Việc chậm thực hiện lắp camera giám sát trên các phương tiện kinh doanh nhất là xe chở khách sẽ lợi bất cập hại, bởi an toàn của hành khách là quan trọng.

 Lắp camera trên xe không chỉ giúp cơ quan chức năng tăng cường giám sát hoạt động của các DN kinh doanh vận tải mà còn giúp lãnh đạo các DN vận tải giám sát, quản lý đội ngũ tài xế, nhân viên làm việc trên xe.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên

Công ty CP Vận tải thương mại Đất Cảng đã lắp một số camera phục vụ công tác quản lý của DN. Tuy nhiên, điều băn khoăn là khi hàng trăm nghìn phương tiện cùng truyền dữ liệu camera về Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì liệu khối lượng dữ liệu khổng lồ đó có thể lưu trữ hết được không? Nếu như chúng ta chưa có nền tảng tốt, cơ quan quản lý Nhà nước có thể chưa thể sử dụng được dữ liệu đó để giám sát hoạt động của DN thì nó sẽ gây lãng phí rất lớn cho xã hội.

Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải

 Qúy Nguyễn - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/de-xuat-lui-thoi-han-xu-phat-xe-kinh-doanh-khong-lap-camera-loi-bat-cap-hai-423763.html