Đề xuất mới: Tuổi hưu của nữ nên dừng ở 58

09/10/2019 15:25

Kinhte&Xahoi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) vừa công bố nhiều đề xuất mới liên quan tới các nội dung trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, như tuổi hưu của nữ nên dừng ở 58, giảm giờ làm trong tuần, thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm. Dự kiến những đề xuất này sẽ được đưa ra tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8.

Tổng Liên đoàn lao động đề xuất tuổi hưu của nữ nên dừng ở 58

Theo đề xuất, TLĐLĐ đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ) lần này theo tinh thần điều chỉnh tăng từ năm 2021. Tuy nhiên mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.

Do đó cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. TLĐLĐ đề xuất Chính phủ cần quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.

Theo TLĐLĐ, công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm có thể được khái quát như sau: Công chức (tăng tất cả); viên chức (tăng một bộ phận lớn); công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58).

Về xây dựng thang, bảng lương, TLĐLĐ đề xuất cần thống nhất quy định theo hướng hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ của các bên trong thị trường lao động; tạo điều kiện để DN có quyền chủ động trong quản trị DN liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh.

Từ đó, nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động để quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động. Tuy nhiên, cần có lộ trình và bước đi phù hợp, tránh gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp cũng như bất lợi cho người lao động.

TLĐLĐ cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo BLLĐ sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.

Bên cạnh đó, đề nghị bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiếu vùng là “khả năng chi trả của DN”, vì đây là yếu tố khó hiểu, khó định lượng, gây khó khăn cho Hội đồng tiền lương quốc gia khi xác định. Mặt khác, năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khía cạnh nhất định cũng đã thể hiện được “sức sống”, sự phát triển và khả năng chi trả của DN.
 
Liên quan tới nội dung giờ làm việc, TLĐLĐ đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” và giữ nguyên phương án 2 Điều 105 để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội.

Theo số liệu khảo sát với 154 nước và vùng lãnh thổ của ILO, Việt Nam nằm trong nhóm 40 nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên), trong khi đó theo công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thu nhập theo đầu người năm 2018 của Việt Nam đứng thứ 121/187, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, cao hơn 66 quốc gia, vùng lãnh thổ.  

Về ngày nghỉ lễ, quan điểm của TLĐLĐ cho rằng, cần tăng thêm số ngày nghỉ lễ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển. Hiện số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. 

Liên quan lĩnh vực lao động, Thủ tướng vừa có ý kiến đồng ý với phương án nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 do Bộ LĐ,TB&XH đề xuất. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán 2020 là 7 ngày, từ thứ Năm ngày 23/1/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/1/2020 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý).

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên cần lưu ý thực hiện bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM