Ảnh minh họa.
Ngày 3/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2047/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022. Trong đó, tại điểm c khoản 4 Điều 2 giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể việc thu, nộp và quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý. Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ là cần thiết.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là ô tô gồm: xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự đã đăng ký, kiểm định để lưu hành. Đồng thời, quy định một số trường hợp xe không chịu phí sử dụng đường bộ do bị hủy hoại, bị tịch thu, bị tai nạn không thể sử dụng tiếp sau sửa chữa; xe không sử dụng đường bộ trong thời gian dài trên 30 ngày (trong đó, có xe kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên).
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định 5 trường hợp miễn phí gồm: xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh. Theo đó, các trung tâm đăng kiểm thu phí đối với các loại xe ô tô khi thực hiện đăng kiểm xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu phí đối với xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định đề xuất mức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng cho ô tô chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe, từ 130.000 đồng/tháng đến 1,430 triệu đồng/tháng. Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng chia làm 2 nhóm: xe ô tô con mức 1 triệu đồng/năm; xe tải, xe khách 1,5 triệu đồng/năm.
Về cách tính và thu phí, với xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nộp phí cho toàn bộ xe ô tô mình quản lý 1 lần/năm. Còn với xe ô tô còn lại nộp theo chu kỳ đăng kiểm; theo năm dương lịch; theo tháng đối với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.
Về quản lý, sử dụng tiền phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được để lại 1,2% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Các trung tâm đăng kiểm thu phí nộp về Cục Đăng kiểm Việt Nam (trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày thu phí) để Cục Đăng kiểm Việt Nam tổng hợp và khai, nộp phí vào NSNN. Các trung tâm đăng kiểm được để lại 1,32% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp trung tâm đăng kiểm thuộc doanh nghiệp thì tiền phí để lại là doanh thu của trung tâm, trung tâm khai, nộp thuế theo quy định.
Về hoàn trả, bù trừ phí, tại Điều 2 dự thảo Nghị định quy định một số trường hợp xe không chịu phí sử dụng đường bộ. Trường hợp xe này đã nộp phí cho thời gian dừng lưu hành (thuộc diện không chịu phí) thì sẽ được bù trừ hoặc hoàn trả số tiền phí đã nộp. Điều 8 Nghị định quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hồ sơ hoàn trả, bù trừ tiền phí đối với từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung so với quy định hiện hành. Cụ thể, dự thảo Nghị định không quy định về in và phát hành vé “phí đường bộ toàn quốc”. Vì vé “phí đường bộ toàn quốc” để phục vụ cho mục đích xe ô tô của lực lượng quốc phòng, an ninh khi lưu thông qua các trạm thu phí BOT trên toàn quốc được miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Việc quy định chứng từ miễn phí BOT thuộc Bộ GTVT.
Điều chỉnh tên một số loại xe chuyên dùng thuộc lực lượng công an, quốc phòng cho phù hợp với thực tế. Đối với xe ô tô chuyên dùng phục vụ quốc phòng, bổ sung thêm xe thuộc trường hợp miễn phí là xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh và các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng. Đối với xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, bổ sung đối tượng miễn phí là xe ô tô chuyên dùng khác của Bộ Công an.
Hồng Thương - Pháp luật Plus