Đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục

20/02/2020 09:26

Kinhte&Xahoi Bộ Nội vụ đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo.

Đó là thông tin đưa ra tại Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” do Bộ Nội vụ tổ chức vào chiều ngày 19/2.


Cổng thông tin Bộ Nội vụ đưa tin, báo cáo tại Hội thảo, TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.

Chính phủ các nước đều được hợp thành từ các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là bộ) nhưng số lượng các bộ trong cơ cấu tổ chức của mỗi Chính phủ thường không giống nhau. Chẳng hạn như Trung Quốc và Malaysia đều có 25 bộ, Indonesia có 24 bộ, Nga có 21 bộ, Pháp có 18 bộ, Singapore có 16 bộ, Hoa Kỳ có 15 bộ, Đức có 14 bộ…

Điều dễ nhận thấy là ở các nước phát triển, cơ cấu Chính phủ thường gọn nhẹ hơn so với các nước khác. Số bộ ít hơn, nghĩa là các đầu mối quản lý tinh giản hơn. Bên cạnh đó, số “siêu bộ” của họ lại nhiều hơn.

Trong khi đó, tại Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIII (2011-2016) và khóa XIV (2016-2021) được giữ nguyên như cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XII, gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 08 cơ quan thuộc Chính phủ.

Mặc dù hiện nay phần lớn các bộ đều đang được tổ chức theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ở các mức độ khác nhau về tính chất và quy mô quản lý (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có tính đặc thù thuộc lực lượng vũ trang).

Thực tiễn tổ chức Chính phủ mấy nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, việc sắp xếp, sáp nhập các bộ thành bộ quản lý đa ngành chưa thật sự đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cắt giảm, lồng ghép nhiệm vụ mà chủ yếu được thực hiện trên cơ sở hợp nhất các bộ đơn ngành, dẫn đến khối lượng công việc, phạm vi lĩnh vực quản lý của bộ trở nên phức tạp.

Việc sáp nhập một số bộ thành bộ đa ngành, đa lĩnh vực không kèm theo tái cơ cấu lại cấu trúc bên trong của các bộ, do vậy, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng cao.

Chính phủ khóa XIV luôn luôn hướng tới mục tiêu của một Chính phủ kiến tạo, hành động, phát triển. Dù cơ sở lý luận và thực tiễn về Chính phủ kiến tạo, hành động, phát triển còn có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau nhưng quyết tâm chính trị của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính là cơ sở quan trọng để cải cách tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong giai đoạn phát triển mới.

Để đáp ứng yêu cầu Chính phủ kiến tạo, hành động thì cơ cấu bộ máy của Chính phủ phải tinh gọn, khả năng điều hành của Chính phủ phải nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Muốn vậy phải giảm bớt các tầng nấc trung gian. Do đó, cần nghiên cứu để xác định số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay cho phù hợp.

Về đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ, theo đó hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.

Ngoài ra, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo; giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ.

Đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo. Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo. Thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.

Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ; 04 Phó Thủ tướng Chính phủ và 20 Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, mô hình giả định về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nếu được hiện thực hóa sẽ là một bước đổi mới quan trọng để thực hiện các quan điểm của Đảng về xây dựng một Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, muốn có một cơ cấu Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần phải đánh giá, rà soát và làm rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp.

Bên cạnh đó, các ý kiến đều cho rằng, cần đề xuất 02 phương án về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và đề xuất phương án lựa chọn. Trong mỗi phương án, phải đánh giá được những ưu điểm, những hạn chế để có đề xuất phù hợp, đảm bảo mang tính thuyết phục cao và ứng dụng được trong thực tiễn.

Về đề xuất hợp nhất giữa các bộ với nhau và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, các đại biểu đều tán thành đề xuất trên. Vì những bộ được đề xuất hợp nhất có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, liên quan chặt chẽ với nhau.

Sự chồng chéo về hoạt động giữa hai bộ vẫn rất khó khắc phục, làm hạn chế hiệu quả của các hoạt động quản lý nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

Giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới đến nay

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 đã mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Chủ trương của ngành trong thời kỳ này là đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, các hình thức đào tạo, quy chế các trường, lớp dân lập, tư thục đã được ban hành.

Năm 1987, theo quyết định của Nhà nước, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Trung ương được sáp nhập vào Bộ Giáo dục; nhà trẻ, mẫu giáo hợp nhất lại thành ngành học Mầm non, nay còn gọi là bậc học Mầm non.

Năm 1988: sáp nhập Tổng cục Dạy nghề vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.

Năm 1990 Chính phủ quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.

Năm 1998, thành lập Tổng cục Dạy nghề trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Năm 2017, hơn 500 trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề từ Bộ GD&ĐT nhập về Tổng cục Dạy nghề và đổi tên thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cần tổ chức tập huấn cho lái xe, phụ xe các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19

Quá trình kiểm tra công tác phòng bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi-rút Corona Covid-19) tại Bến xe Nước ngầm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các nhà xe, hành khách đi xe để chủ động và có ý thức hơn trong việc phòng bệnh.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-xuat-thanh-lap-lai-bo-giao-duc-d117744.html