Đề xuất thu hẹp phạm vi xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

22/10/2021 07:10

Kinhte&Xahoi Cho ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội (QH) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tán thành với đề xuất thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý bằng biện pháp hành chính.

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, đối với quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Lê Thành Long tán thành với phương án 1 mà Chính phủ trình.

Phương án này quy định tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quy định như vậy phù hợp với nguyên tắc phân chia lợi ích giữa Nhà nước và đơn vị nghiên cứu, hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Bên cạnh đó, việc này cũng khích các đơn vị chủ trì đầu tư công sức vào để về sau được hưởng kết quả, nâng cao hiệu quả quá trình nghiên cứu công bố và sau đó là sử dụng tác phẩm hay kết quả của mình, đồng thời giảm thủ tục hành chính.

“Về cơ bản, việc quy định như vậy phù hợp với các luật hiện hành như Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật chuyển giao công nghệ…”, BỘ trưởng Lê Thành Long nói.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT, Chính phủ trình 2 phương án.

Phương án 1 quy định biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Phương án 2 đề nghị giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 1 Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Tán thành với đề xuất thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý bằng biện pháp hành chính, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng quy định như vậy là phù hợp và nên ủng hộ. Bởi lẽ, tiếp cận của các nước và của mạch trong các công cụ pháp lý quốc tế thì quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự nên khi vận hành nó mà có vấn đề phát sinh thì phải dùng biện pháp dân sự để xử lý.

Thêm vào đó, qua thực tiễn, một số nước như Singapore chỉ cho phép áp dụng các biện pháp dân sự.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết phải sử dụng các biện pháp không phải là biện pháp dân sự nhưng vẫn phải đảm bảo tính kịp thời thì đã được “giải mã” trong Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tại Chương 8 của Bộ Luật này đã có quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, có cả trường hợp ngăn chặn, không cho vận chuyển, không cho di chuyển, không cho nhập khẩu..., tức đã đủ các biện pháp mang tính tác nghiệp.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị cân nhắc nghiên cứu của tòa án cho rằng nếu xử lý bằng dân sự giai đoạn này chưa khả thi nên có thể tiếp cận theo hướng dần dần.

 Hoàng Nam - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh khi dạy trực tuyến

Ngày 21/10, Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc chương trình tập huấn trực tuyến cho giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Hơn 1.000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở GD&ĐT, các trường đã tham dự tại 400 điểm cầu trên toàn quốc.

Xin đừng cát cứ!

Chỉ một mảnh giấy niêm phong dán trên cửa xe buộc người ngồi trong xe không được ra khỏi xe trong địa phận của tỉnh đó mà gây bão dư luận.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-xuat-thu-hep-pham-vi-xu-phat-hanh-chinh-trong-linh-vuc-so-huu-tri-tue-d169146.html