Đề xuất thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng

21/06/2024 09:51

Kinhte&Xahoi Chiều 20-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự luật Địa chất và khoáng sản.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật được xây dựng gồm 12 chương với 117 điều, tăng 1 chương và 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng điểm qua một số điểm mới của dự thảo Luật như: Quy định điều tra cơ bản về địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản…

Bên cạnh đó, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng hồ, lòng sông, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi…

Liên quan phân công quản lý về quy hoạch khoáng sản, dự thảo Luật đề xuất gộp 3 quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thành 2 quy hoạch: Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I và Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh lập, trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định.

Về phân cấp quản lý, dự thảo Luật bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với các nội dung: Phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương; quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, có 2 loại ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất tán thành với quan điểm của Chính phủ như quy định của dự thảo Luật; ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng giao Bộ Công Thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I; Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để có phương án phù hợp, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi; cần phân tích, đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ, báo cáo Quốc hội về ưu điểm, hạn chế của từng phương án và nêu rõ các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện theo phương án được lựa chọn.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ căn cứ của việc chỉ quy định nguồn vốn sử dụng là "nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản”, căn cứ quy định việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; giải trình cụ thể hơn tác động của chính sách về lợi ích, chi phí, nguồn lực thực hiện.

Về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng việc có hoặc không quy định Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia trong dự thảo Luật có ý nghĩa quan trọng, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung tổng kết, đánh giá tác động việc thay đổi chính sách nói trên đối với tổ chức, hoạt động, chất lượng công tác phê duyệt trữ lượng, có thêm cơ sở thực tiễn để quy định phù hợp, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.

Đối với quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đa số thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành quan điểm của Chính phủ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như dự thảo Luật.

Về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có ý kiến cho rằng quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại dự thảo Luật là phù hợp. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế.

Mai Hữu - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024): Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của các nhà báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo: Trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Có chừng đó thôi nhưng vô cùng sâu sắc, bởi đó chính là mục đích, động cơ làm báo. Trả lời thấu đáo các câu hỏi đó, bài báo sẽ có chất lượng tốt.

Những giá trị, kỹ năng bất biến trong nghề báo

Tại cuộc giao ban báo chí dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), một vấn đề được đặt ra là báo chí đang trong giai đoạn chuyển đổi; vì thế các cơ quan báo chí cần tìm tòi cách làm mới, tư duy mới để giải quyết nhiều “bài toán” đặt ra trong giai đoạn này.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/de-xuat-thu-tien-cap-quyen-khai-thac-khoang-san-theo-tru-luong-669811.html