Đề xuất tiêu chuẩn chức danh công chứng viên

20/05/2024 14:42

Kinhte&Xahoi Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ nghiệp vụ và hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý.

Theo dự thảo, công chứng viên thực hiện nhiệm vụ của công chứng viên theo quy định của Luật Công chứng.

Bên cạnh đó, công chứng viên chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch công chứng trong phạm vi địa phương; tham gia xây dựng các văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch công chứng được phân công. Đồng thời, tham gia, phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở thanh tra, kiểm tra công tác công chứng, chứng thực của các tổ chức hành nghề công chứng và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo sự phân công.

Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất tiêu chuẩn chức danh công chứng viên. Ảnh Chinhphu.vn

Công chứng viên chủ trì hoặc tham gia thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động công chứng tại địa phương với cơ quan quản lý nhà nước về công chứng; quản lý, lưu giữ hồ sơ công việc; quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc được giao; chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đề xuất các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động công chứng.

Công chứng viên theo dõi, báo cáo tình hình và kết quả giải quyết thủ tục hành chính, quy trình giải quyết việc công chứng trong lĩnh vực công chứng do mình thực hiện; phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực công chứng.

Công chứng viên tham dự các cuộc họp liên quan đến lĩnh vực chuyên môn ở trong và ngoài cơ quan theo phân công; tham dự các cuộc họp đơn vị, họp cơ quan theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công.

Theo dự thảo, công chứng viên thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp; thực hiện theo các quy định, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Dự thảo nêu rõ, công chứng viên có bằng cử nhân luật; tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng; có giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.

Công chứng viên có khả năng vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công chứng; có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ về công chứng.

Bên cạnh đó, công chứng viên có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống thuộc lĩnh vực công chứng.

Có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công chứng.

Quốc Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tăng trưởng GDP quý I-2024 cao nhất trong giai đoạn 2020-2023

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I-2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/de-xuat-tieu-chuan-chuc-danh-cong-chung-vien-199158.html