Hàng trăm nghìn hộ dân khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn chưa được sử dụng nước sạch.
Dân mong nước sạch từng ngày
Về những phản ánh này, phóng viên đã về tìm hiểu tại khu vực phía Nam của Thành phố Hà Nội gồm 4 huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai và Mỹ Đức. Thực tế cho thấy, một số xã người dân sử dụng bằng nguồn nước như giếng khoan, nước mưa và có xã sử dụng nước của nhà máy cấp nước nhỏ tại địa phương. Tuy nhiên, việc dùng nước của người dân hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nước bị nhiễm bẩn.
Bác Nguyễn Thị Hiền tại xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: Trong nhiều năm qua, người dân chúng tôi vẫn dùng nước của trạm cấp nước địa phương. Tuy nhiên, cũng chỉ dùng để tắm giặt, sinh hoạt thiết yếu, còn nước ăn chúng tôi vẫn dùng nước mưa dự trữ. Nguồn nước này cũng chỉ sử dụng được vài tháng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Huy – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai cho biết: Trên địa bàn huyện rất mong muốn có nguồn nước sạch. Tuy nhiên nguồn nước sạch cấp cho huyện được thành phố chỉ định Công ty Cổ phần nước Aqua One cấp, nhưng đến giờ vẫn chưa có đường ống cấp nước. Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đang trình Bộ Xây dựng bổ sung tuyến đường ống chạy dọc theo trục đường Cienco 5 để cung cấp cho các huyện phía Nam của Hà Nội gồm Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Đến thời điểm hiện nay thì đường ống cấp nước chưa có. Sở Xây dựng chỉ quản lý nhà nước còn đơn vị được giao cung cấp nước là Công ty Cổ phần nước Aqua One.
“Hiện nay, một số xã phía Bắc của huyện đã được cấp nước từ nguồn nước Công ty nước Sơn Hà – Hà Đông. Còn một số xã như: thị trấn Kim Bài, xã Tam Hưng, xã Thanh Thùy thì sử dụng nguồn nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước được hút lên để lọc sau đó cấp cho người dân.
Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (nghi can của một vụ án rửa tiền do CO3 Bộ Công an đang điều tra) thường xuất hiện tại các dự án nước của bà Shark Đỗ Liên. Ông Chung đã từng đưa ra những quyết sách “ưu ái” cho việc phân phối sản phẩm nước sông Đuống khi Nhà máy chưa được nghiệm thu gây xôn xao dư luận xã hội và đôn đáo thúc giục xây dựng Nhà máy nước Xuân Mai cho dù công trình chưa được Chính phủ bổ sung quy hoạch; chưa được sự đồng thuận của Bộ Xây dựng.
Được biết, huyện Thanh Oai còn 13 xã chưa có hệ thống cấp nước sạch do hệ thống mạng đường ống cung cấp nước chưa phủ kín được hết trên địa bàn các xã và thị trấn, để đáp ứng nhu cầu được sử dụng nước sạch cho nhân dân. Theo kế hoạch thì đến hết năm 2020 thì phải 80% hộ dân được sử dụng nước sạch nhưng đến nay vẫn chưa đảm bảo vì hệ thống mạng truyền tải chưa đến nơi.
Đối với huyện Ứng Hòa, theo Văn bản số 1021/UBND-QLĐT trả lời Báo điện tử Xây dựng về tình hình cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn huyện: Trên địa bàn huyện hiện có 4 trạm cung cấp nước sạch đang hoạt động. Số hộ sử dụng nước sạch do các trạm nước sạch cấp là 9.639/57.928 hộ, đạt tỷ lệ 17%. Số hộ đang sử dụng nước hợp vệ sinh là 48.289 hộ (chiếm 83%), chủ yếu là xây bể chứa nước mưa, nước giếng khoan ngầm lọc thô và sử dụng.
Trên địa bàn huyện có 2 con sông là sông Đáy và sông Nhuệ nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm. Số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh chủ yếu là nước giếng khoan ngầm lọc thô để sử dụng do đó chất lượng nước chưa đảm bảo. UBND huyện đã nhiều lần đề xuất UBND Thành phố, các Sở, ngành quan tâm sớm cung cấp nước sạch cho nhân dân trong huyện.
Việc xây dựng hệ thống đường ống mạch vòng để đảm bảo an toàn nguồn cấp nước và hệ thống mạng lưới ống dẫn để cung cấp nước chưa được quan tâm đúng mức.
Hà Nội liệu đã thực hiện đúng các quyết định phê duyệt quy hoạch cấp nước?
Theo Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/3/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì vùng dịch vụ cấp nước của 4 huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức thuộc vùng dịch vụ cấp nước của Nhà máy nước sông Đà. Tuy nhiên do không có hệ thống đường ống truyền tải cấp 1 kết nối từ đường ống truyền tải nước sạch của Nhà máy nước sạch sông Đà đến hệ thống cấp nước trong khu vực của 4 huyện trên, nên đến nay người dân ở các khu vực này vẫn chưa được dùng nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lưu Việt Thịnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: Công ty chỉ là đơn vị cung cấp nước đầu nguồn. Việc xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới truyền tải, hệ thống phân phối tại các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức thuộc dự án mà UBND Thành phố Hà Nội giao cho các chủ đầu tư khác. Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khẳng định có đủ năng lực để cung cấp nước cho các huyện nêu trên.
Ông Thịnh chia sẻ thêm: Vừa qua, Công ty cũng có văn bản gửi các Công ty cung cấp nước sạch tại một số huyện về kế hoạch tiếp nhận nước sạch của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tại các điểm đầu nối hiện tại và các điểm đấu nối bổ sung mới khác trong 5 năm (2021 - 2025). Đây là cơ sở để Công ty lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư năm 2021 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, ngày 24/6/2017 UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3845/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho liên danh Công ty Cổ phần nước Aqua One và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai thực hiện. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư.
Như vậy, tình hình thiếu nước sạch xảy ra ở nhiều điểm dân cư cấp huyện, trên địa bàn Thành phố Hà Nội là đúng. Nhưng nguyên nhân chính không phải là do thiếu nguồn cấp nước mà vấn đề chính là thiếu hệ thống phân phối nước. Việc xây dựng hệ thống đường ống nối từ Nhà máy nước sông Đà để cấp cho khu vực này theo Quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện. Mặt khác, việc triển khai xây dựng các mạch vòng của hệ thống cấp nước thành phố cũng chưa thực hiện, vì vậy việc an toàn của hệ thống cấp nước thành phố chưa được đảm bảo.
Chúng tôi cho rằng, ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị với Thủ tướng không đưa Nhà máy nước Xuân Mai vào bổ sung quy hoạch trong giai đoạn này là có cơ sở khoa học và thực tiễn. Vấn đề ở đây là, không cần phải xây dựng một nhà máy tốn kém mà chỉ cần đấu nối một số km đường ống là đảm bảo cấp nước sạch cho các khu vực nêu trên. Đồng thời phải khuyến khích đầu tư dưới nhiều hình thức để hoàn thiện hệ thống đường ống cấp nước tiêu thụ tại các địa bàn xã để đảm bảo cấp nước đến các hộ gia đình.
Vì sao hệ thống đường ống nối từ Nhà máy nước sông Đà theo Quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cấp nước cho địa bàn các huyện nêu trên chưa được thực hiện; nguyên nhân? Trách nhiệm ở đây là gì? Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục đưa tin đến bạn đọc.
Khánh An – Thanh Thanh - Theo Báo Xây dựng