Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm này, các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đã tổ chức 5 đợt nhắn tin tuyên truyền tới hơn 125 triệu thuê bao với tổng số gần 7 tỷ tin nhắn SMS để thông tin, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung nguồn lực bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến về dịch Covid-19 đến người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc miễn cước cuộc gọi đến các số đường dây nóng (hotline) của Bộ Y tế; miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin về phòng, chống dịch bệnh.

Để hỗ trợ các đơn vị phòng chống dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo nhà mạng Viettel thiết lập hệ thống giao ban trực tuyến từ Bộ Y tế tới 23 bệnh viện trên cả nước.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết Viettel đã điều động hàng trăm cán bộ kỹ thuật để thiết lập khẩn cấp cầu truyền hình tại 21 bệnh viện lớn trên cả nước, nhằm bảo đảm công tác giao ban điều hành dịch Covid-19.

Đội ngũ kỹ thuật viên của Viettel đã tập trung kéo cáp, lắp đặt hệ thống truyền hình để kịp phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Hệ thống giao ban trực tuyến gồm 22 điểm cầu, trong đó 21 bệnh viện nằm trong danh sách giao ban trực tuyến, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện E, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh…

Việc này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy khả năng đáp ứng, đối phó với dịch bệnh ngay tại địa phương, nhất là trong tình huống khẩn cấp.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bái gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/960002/dich-covid-19-thiet-lap-cau-truyen-hinh-tai-21-benh-vien-lon