Điểm danh những bộ ngành có 6-9 Thứ trưởng

06/10/2020 16:07

Kinhte&Xahoi Tính đến 30/9/2020, có 3 Bộ có 6 Thứ trưởng là Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp; 2 Bộ có 9 Thứ trưởng là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Ngược lại, có 2 Bộ chỉ 3 Thứ trưởng…

Đây là những con số thể hiện trong báo cáo của Chính phủ việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Nội vụ. Một trong những nội dung báo cáo là về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tại nghị quyết này, Quốc hội đánh giá, quản lý biên chế tại nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định, còn mất cân đối về tỷ lệ giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, giữ hàm cấp với công chức tham mưu, giúp việc. Việc xây dựng và thực hiện đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo quy định hiện tại, số lượng Thứ trưởng tối đa tại mỗi Bộ không quá 5 người.

Quốc hội yêu cầu căn cứ vào các tiêu chí, nguyên tắc chung, Bộ, cơ quan ngang Bộ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý...

Thực hiện nghị quyết này, Chính phủ cho biết, hoàn thiện quy định về tiêu chí thành lập tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng phương án kiện toàn tổ chức của cơ quan mình theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 thì số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không quá 5 (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6). Trong trường hợp do sáp nhập Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Kết quả thực hiện, số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại thời điểm 30/9/2020 là 110 người.

Cụ thể có 2 Bộ có 3 Thứ trưởng (ít hơn 2 Thứ trưởng so với quy định): Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông. 7 Bộ, cơ quan ngang Bộ có 4 Thứ trưởng và tương đương (ít hơn 1): Bộ Xây dựng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc.

8 Bộ, cơ quan ngang Bộ có 5 Thứ trưởng và tương đương (bằng số quy định): Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông vận tải; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ.

3 Bộ có 6 Thứ trưởng: Bộ Ngoại giao (bằng số quy định); Bộ Nội vụ (vượt 1); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vượt 1). Có 2 Bộ có 9 Thứ trưởng (vượt 3) là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Số lượng Thứ trưởng nhiều hơn so với quy định ở một số Bộ (Quốc phòng, Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về Trung ương, Chính phủ giải thích.

Cấp dưới Bộ, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định: số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan ngang Bộ, tính đến thời điểm này, số lượng phó tổng cục trưởng và tương đương bình quân là 2,8; phó cục trưởng và tương đương bình quân là 2,9; phó vụ trưởng và tương đương bình quân là 2,5.

Tuy nhiên, Chính phủ cho biết, tại một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương do đặc thù công việc và để bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức khi được điều động về các cơ quan ở Trung ương công tác nên đã thực hiện việc bổ nhiệm chức danh “hàm”.

Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW có yêu cầu: “Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp hàm”, hiện Ban Tổ chức Trung ương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia; tiêu chuẩn, chế độ trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước” để khắc phục việc bổ nhiệm chức danh “hàm” trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài ra, để thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và của pháp luật về công tác cán bộ, trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh “hàm” đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Phương Thảo - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/diem-danh-nhung-bo-nganh-co-69-thu-truong-20201006150640257.htm