Diễn biến sốt xuất huyết tại Hà Nội không bất thường

26/03/2024 08:56

Kinhte&Xahoi Tuần qua (từ 15 đến 22-3), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc sốt xuất huyết và không có thêm ổ dịch mới.

Ngày 25-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn đã có 527 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 342 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dù số ca mắc tăng so với cùng kỳ nhưng không đáng lo ngại. Bởi số ca mắc không lớn mà nằm rải rác, nhất là không có các ổ dịch lớn, tập trung.

Cán bộ y tế quận Long Biên hướng dẫn người dân diệt bọ gậy phòng sốt xuất huyết.

Lý giải vì sao sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, nhưng tại thời điểm này vẫn ghi nhận ca bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, vào mùa xuân vẫn có ngày nhiệt độ cao, lúc nóng lúc lạnh, muỗi sốt xuất huyết phát triển ở nhiệt độ 25 độ C trở lên. Đặc biệt, trong nhà đóng kín cửa làm cho nhiệt độ tăng cao khiến muỗi sinh sôi phát triển, thậm chí đẻ trứng vào các bình chứa nước thành bọ gậy... Bên cạnh đó, người dân gia tăng giao lưu đi lại giữa miền Bắc và miền Nam cũng mang theo nguồn bệnh di chuyển và làm gia tăng ca mắc.

“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ không có khả năng bùng phát do khí hậu, thời tiết mùa xuân nồm ẩm muỗi không phát triển mạnh mẽ được. Do đó, diễn biến tình hình sốt xuất huyết hiện không có dấu hiệu bất thường mà nằm trong dự báo từ trước và theo mô hình dịch tễ có quanh năm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Trước đó, trong năm 2023, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp với hơn 40.000 ca mắc (gấp hơn 2 lần so với năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong.

Theo CDC Hà Nội, chính vì đuôi dịch của năm 2023 kéo sang đầu năm 2024, khiến số ca mắc sốt xuất huyết tăng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, trên thực tế, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận rải rác từ 14-24 ca/tuần.

Dù vậy, CDC Hà Nội dự báo, thời gian tới có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân. Do đó, người dân không được chủ quan. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là người dân cần tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ hoàn toàn các dụng cụ chứa nước, môi trường thuận lợi để cho muỗi đẻ trứng…

Ngoài ra, nếu người bệnh sốt xuất huyết có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/dien-bien-sot-xuat-huyet-tai-ha-noi-khong-bat-thuong-661729.html