Điện sinh hoạt một giá: Ai thiệt, ai lợi?

14/08/2020 18:13

Kinhte&Xahoi Bộ Công Thương đã quyết định lấy ý kiến về phương án giá bán lẻ điện sinh hoạt 1 giá song song với việc áp dụng biểu giá bán lẻ bậc thang. Song người dùng ít không nên chọn điện một giá vì giá rất cao.

Điện 1 giá gần 3.000 đồng/kWh, người dùng 700 số trở xuống không nên dùng

Áp dụng song song điện một giá và điện bậc thang

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi quyết định 28/2014.

Ngoài phương án rút ngắn biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc còn 5 bậc, Bộ này đề xuất phương án áp dụng song song biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc (giảm so với 6 bậc hiện nay) và giá bán lẻ điện một giá cho khách hàng được quyền lựa chọn tùy theo mong muốn. Giá bán lẻ điện sinh hoạt dành cho khách hàng lựa chọn một giá là từ 2.700 đồng/kWh đến hơn 2.900 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Phương án Bộ Công Thương đang nghiên cứu này xét cho cùng “phù hợp với thực tế”, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng điện ở Việt Nam. Có khách hàng muốn dùng điện sinh hoạt theo giá bậc thang, có khách hàng thích dùng điện một giá. Vậy thì phương án Bộ đưa ra đã thỏa mãn được mong muốn của các đối tượng khách hàng.

Vấn đề là giá điện một giá ở mức bao nhiêu là phù hợp? Mức giá bán lẻ điện sinh hoạt dành cho khách hàng lựa chọn một giá là từ 2.700 đồng/kWh đến hơn 2.900 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) theo đề xuất của Bộ Công Thương khiến nhiều người không khỏi “sốc” bởi mức giá đó rất cao. Người tiêu dùng cần phải tính toán kỹ nếu chính thức áp dụng. 

Ước tính, với giá điện một giá kể trên, những khách hàng dùng 701 số trở lên mới nên chọn sử dụng phương án này bởi số tiền điện phải trả sẽ thấp hơn đáng kể so với việc dùng giá điện bậc thang.

Kịch bản 1: Chênh lệch về số tiền phải trả giữa việc dùng điện một giá, điện bậc thang mới với biểu giá bán lẻ hiện hành (mức giá này chưa bao gồm 10% VAT)

Còn đại đa số khách hàng có mức tiêu thụ điện 700 số trở xuống nên dùng giá điện bậc thang để không phải chịu tiền điện tăng cao như phương án một giá.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, khách hàng dùng lượng điện từ 300 số trở xuống là hơn 22 triệu người, chiếm khoảng 72,6% lượng khách hàng với 60% sản lượng điện. Còn dùng từ 400 kWh đến dưới 700 số là khoảng 1,2 triệu khách hàng; từ 701 kWh trở lên là hơn 456 nghìn khách hàng.

Điều này có nghĩa, nếu phương án cho phép người dân được tùy ý sử dụng điện một giá hay điện bậc thang được thực thi, tuyệt đại đa số khách hàng vẫn nên dùng giá điện bậc thang. Xét cho cùng, biểu giá Bộ Công Thương thiết kế cũng không nằm ngoài mục đích duy trì sự cần thiết dùng giá điện bậc thang nhằm "tiết kiệm điện".

Nhưng chưa thay đổi được căn bản cách tính giá điện sinh hoạt

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh bình luận: “Cái tôi kỳ vọng không phải là điện một giá. Điều tôi kỳ vọng là ban hành một cơ chế song song giữa điện bậc thang và việc lắp đặt công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo 3 khoảng thời gian trong ngày tương ứng với các giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường”.

“Điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc quản lý phụ tải trong giờ cao điểm. Dù đã có định hướng, chỉ đạo về lắp công tơ 3 giá cho các hộ gia đình nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa triển khai được. Hy vọng chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ban hành giá điện bậc thang và công tơ 3 giá. Như vậy sẽ hiệu quả hơn”, ông góp ý.

Ảnh: Phạm Hải

Thực tế, việc lắp đặt công tơ 3 giá lâu nay đã và đang được áp dụng cho tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, song vẫn chưa áp dụng cho giá điện sinh hoạt của người dân. Tiền đâu đầu tư công tơ 3 giá dường như là nút thắt khiến giải pháp này vẫn chưa được chú ý.

Ông Sơn cho rằng, dù phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới này được ban hành, vẫn luôn luôn tồn tại những ý kiến kêu ca, phản đối. Nhưng hiện nay ít nhất người dân có thể có hai phương án để lựa chọn, thay vì chỉ một như trước đây. Người dân sẽ phải tự tính toán, kiểm soát nhu cầu tiêu thụ điện của mình để phù hợp với phương án họ đã lựa chọn là dùng điện một giá hay điện bậc thang.

Mặt khác, để bớt đi những ý kiến nghi ngại việc EVN còn độc quyền cả khâu phân phối, việc đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là cần thiết.

Thực tế, lộ trình để cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào phân phối điện cũng đã được đặt ra trong các văn bản chính thức. Theo quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày ngày 9/11/2013 của Thủ tướng, năm 2021 sẽ thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, năm 2023 sẽ chính thức vận hành thị trường này.

Trong 3 lĩnh vực sản xuất điện, truyền tải, phân phối, đến nay EVN chỉ còn độc quyền 2 khâu truyền tải và phân phối. Khâu truyền tải về lâu dài có thể vẫn là độc quyền nhà nước nhưng khâu phân phối đang được tích cực đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Khi đó, EVN sẽ không còn là người bán duy nhất trên thị trường mà sẽ có nhiều nhà phân phối cùng vào.

Chặng đường này sẽ không hề dễ dàng, nhất là khi nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2025 đang cận kề, ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Con đường vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam đang hướng đến rất giống cách Singapore đã làm. Singapore cũng từng có thời kỳ độc quyền tất cả mọi khâu từ phát điện, truyền tải, phân phối. Hiện tại thị trường bán lẻ Singapore có hàng chục đơn vị bán lẻ điện được cấp phép để cung cấp điện cho khách hàng. Để có được thị trường bán lẻ này, Singapore mất hơn 20 năm.

Cùng với việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, việc thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là cần thiết. Khi được vận hành theo cơ chế thị trường, câu hỏi “Giá điện Việt Nam cao hay thấp” cũng phần nào được trả lời rõ ràng hơn nếu giá điện được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí.

Lương Bằng - Theo Vietnamnet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/dien-sinh-hoat-mot-gia-ai-thiet-ai-loi-666052.html