Điều chỉnh, bố trí các tuyến buýt phục vụ Metro Nhổn - ga Hà Nội

20/02/2023 17:36

Kinhte&Xahoi Để chuẩn bị cho tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội chuẩn bị đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2023, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội đang hoàn thiện phương án kết nối buýt với metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Nghiên cứu tổ chức lại giao thông

 Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (HPTC), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị đang hoàn thiện phương án kết nối mạng lưới xe buýt với đường sắt đô thị số 3, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Theo kế hoạch, metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động đoạn trên cao từ Nhổn - về cầu Giấy trong nửa đầu năm 2023.

Theo HPTC, trên dọc lộ trình Nhổn - Ga Hà Nội đang có 31 tuyến buýt hoạt động và đủ điều kiện kết nối với đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá với nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình mỗi ngày khoảng hơn 118.000 lượt hành khách.

Trong khi đó, với thiết kế tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách.

Dự kiến có 50 tuyến buýt được điều chỉnh lộ trình và mở mới để phục vụ metro Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động

Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.360 hành khách/giờ/hướng.

Với hiện trạng hạ tầng xe buýt hiện nay, đại diện Trung tâm HPTC cho rằng, điểm dừng xe buýt dọc tuyến sẽ phải bố trí lại, bổ sung để thuận tiện cho việc kết nối với các ga.

Cũng theo HPTC, để đảm bảo hành khách theo công suất hoạt động của metro Nhổn - ga Hà Nội, phương án đang xây dựng cũng sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị, trong đó có 3 tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG07) và 9 tuyến mở mới.

Sau khi hoàn thiện phương án kết nối xe buýt, năng lực trung chuyển, giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, ga dọc tuyến tăng lên, mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc hành lang sẽ được cải thiện.

Trong thời gian đầu khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, dự báo, khoảng 15 - 20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị số 3, chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.

Lưu lượng xe taxi, Grab... hoạt động dọc lộ trình tuyến cũng sẽ giảm do khi đó, người dân sẽ có xu hướng chuyển từ sử dụng xe buýt sang sử dụng metro do chi phí thấp, giảm thời gian đi lại và không bị ảnh hưởng bởi ùn tắc.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở đã nghiên cứu tổ chức giao thông và sẵn sàng điều chỉnh khi đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động.

Ngoài xe buýt, sẽ có xe điện 2 bánh, xe ôm công nghệ, xe taxi phục vụ người dân; hệ thống biển báo cũng đã được rà soát và chờ triển khai.

Dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong nửa đầu năm 2023

 Trước đó, từ ngày 5/12/2022, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cùng các đơn vị nhà thầu, tư vấn đã vận hành thử đoạn trên cao tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội. Sau 7 ngày chạy thử kể từ 5/12/2022, tính khả dụng của hệ thống đạt 99,65%, tất cả các thử nghiệm đều đạt.

Trong giai đoạn 1 chạy thử, dự án đã vận hành theo 2 lịch chạy tàu: Chạy tối đa 4 đoàn tàu theo lịch chạy tàu cuối tuần, chạy tối đa 8 đoàn tàu theo lịch chạy tàu ngày trong tuần, thời gian từ 9-19h.

Các đoàn tàu di chuyển từ depot, bắt đầu xuất phát từ ga S1 - Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông Vận tải và ngược lại. Thời gian đoàn tàu chạy 1 chiều khoảng 16 phút và thời gian chạy 1 vòng (cả chiều đi và về) bao gồm cả quay đầu khoảng 32 phút.

Dự kiến, đoạn trên cao metro Nhổn- Ga Hà Nội sẽ đưa vào vận hành trong nửa đầu năm 2023

Trong mỗi ngày, việc chạy thử tàu được thực hiện theo 5 bước: Kiểm tra tính sẵn sàng của hệ thống đường ray, kiểm tra khởi động; Đưa tàu lên tuyến chính để sẵn sàng chạy theo biểu đồ chạy tàu; Chạy tàu liên hoàn; Đưa tàu trở lại khu vực tập kết tàu; Hoàn thành đưa tàu về khu vực tập kết và tắt nguồn điện của tàu.

Trong 5 ngày chạy tàu liên tiếp, dự án đạt mục tiêu hiệu suất chạy thử giai đoạn 1 và chuyển sang chạy thử giai đoạn 2 trong hai ngày 13 và 14/12/2022 với 5 kịch bản kiểm tra các sự cố theo quy trình đã được triển khai gồm: Mất điện trên toàn tuyến, mất điện kéo dài ở một đoạn trên tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.

Kết quả quá trình chạy thử đã được MRB, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống chứng kiến, kiểm tra. Quá trình này cũng có sự tham gia của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải.

Theo yêu cầu đặt ra trong hợp đồng dự án, ở giai đoạn 7 - chạy thử hệ thống (Test Run), tính khả dụng của hệ thống được yêu cầu phải đạt trên 98%. Trường hợp dưới 98%, việc chạy thử kéo dài tới 6 tuần cho đến khi đạt kết quả. Với việc chạy thử hệ thống thành công, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn tất 7 trong số 8 giai đoạn. Dự kiến, đoạn trên cao metro Nhổn- Ga Hà Nội sẽ đưa vào vận hành trong nửa đầu năm 2023.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km, 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km. Hiện nay, đoạn trên cao đã cơ bản hoàn thành nhưng đoạn đi ngầm đang chậm trễ do vướng mắc về mặt bằng trong thời gian qua.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dieu-chinh-bo-tri-cac-tuyen-buyt-phuc-vu-metro-nhon-ga-ha-noi-217757.html