Doanh nghiệp buộc phải tháo dỡ nhà xưởng, 2.000 lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp

20/11/2019 15:04

Kinhte&Xahoi Người lao động cho rằng, bất cứ sự việc nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

Trở lại vụ việc của 13 doanh nghiệp tại Dự án nhà máy ô tô 1-5, mới đây, Pháp luật Plus tiếp tục nhận được đơn kêu cứu của đại diện 2.000 người lao động đang làm việc tại 13 doanh nghiệp có nhà xưởng trên khu đất để thực hiện Dự án nhà máy ô tô 1-5 thuộc xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.


Người lao động cho rằng: Nếu quyết định hành chính của UBND huyện Đông Anh được thực thi, quyết định buộc phá dỡ đối với các công trình mà các doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng trên đất tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đẩy người lao động vào tình trạng nguy cơ mất việc làm.

Được biết, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh tại Dự án nhà máy ô tô 1-5, các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nhân công tại địa phương và các vùng lân cận. Người lao động có được nguồn thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó có điều kiện cho con cái học hành, phát triển kinh tế gia đình, dòng họ. Không chỉ thế, hàng năm, các doanh nghiệp còn đóng góp hàng tỷ đồng tiền thuế mỗi năm để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của huyện Đông Anh nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung.

Đến nay, khi hệ thống nhà xưởng đang hoạt động ổn định tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 người lao động thì UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định hành chính buộc phá dỡ toàn bộ nhà xưởng khiến người lao động cảm thấy hoang mang, lo lắng tột độ. Nguy cơ mất đi công ăn việc làm kéo theo việc gia đình bố mẹ, vợ chồng, con cái sẽ không có nguồn sống, không có trợ cấp xã hội vì cả gia đình đều phụ thuộc vào sự ổn định phát triển của doanh nghiệp, họ không kinh doanh, buôn bán, không làm thêm ngành nghề gì khác mà chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập là từ công việc tại các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề việc làm của người lao động và những ảnh hưởng về việc làm cho người lao động, Pháp luật Plus đã có cuộc gặp và trao đổi với Luật sư Nguyễn Đức Tùng – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý.

Pháp luật Plus xin trích đăng nguyên văn ý kiến của Luật sư Nguyễn Đức Tùng để bạn đọc có góc nhìn khách quan sự việc.

“Dưới góc nhìn pháp lý, thứ nhất, các doanh nghiệp tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 đã nghiêm túc thực hiện chính sách của nhà nước trong việc tạo điều kiện về việc làm cho người lao động.

Việc đảm bảo và tạo điều kiện về việc làm cho người lao động là trách nhiệm của Nhà nước, của người sử dụng lao động và của toàn xã hội, điều này đã được thể chế hóa trong các quy định pháp luật, cụ thể:

Điều 53 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động”, tiếp đó, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có Chương II về Việc làm, trong đó đã khẳng định rõ: “Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm.” (Khoản 2 Điều 9 Luật lao động năm 2012).

Rõ ràng, vấn đề việc làm luôn là vấn đề được Nhà nước quan tâm hàng đầu nên bên cạnh việc đưa ra các quy định pháp luật về việc làm để đảm bảo quyền của người lao động khi làm việc, Nhà nước cũng quy định về việc đảm bảo thực hiện các chính sách đối với người lao động theo quy định tại Điều 4 Bộ luật lao động năm 2012.

Có thể nói rằng, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 đã thực hiện rất tốt chính sách của Nhà nước về việc làm cho người lao động, cụ thể: Theo thống kê của 13 doanh nghiệp tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 thì trong quá trình vận hành nhà xưởng để hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã giải quyết vấn đề về việc làm cho gần 2000 người lao động. Quá trình làm việc tại doanh nghiệp, người lao động được thường xuyên học tập, trau dồi kỹ năng để trở thành những người lao động lành nghề như hiện nay. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm để người lao động có thu nhập ổn định, đnsg góp các giá trị thặng dư cho xã hội thì tại các doanh nghiệp cũng thành lập Tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên ... để người lao động được quan tâm và có môi trường phát triển.


Thứ hai, UBND huyện Đông Anh và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trong việc đảm bảo việc làm cho gần 2000 người lao động của các doanh nghiệp có nhà xưởng tại Dự án nhà máy ô tô 1-5

Theo số liệu thống kê về lao động của các doanh nghiệp thì hiện nay người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp bên cạnh những người lao động trẻ tuổi, lành nghề cũng có không ít những người lao động đã ở độ tuổi trên 40, nhiều lao động nữ đang trong thời gian thai sản và nuôi con nhỏ. Vì vậy, bất cứ sự việc nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

Nếu các doanh nghiệp buộc phải phá dỡ nhà xưởng theo các Quyết định của UBND huyện Đông Anh thì không chỉ tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp mà việc làm cho gần 2000 người lao động cũng là vấn đề vô cùng nan giải. Bản thân doanh nghiệp cũng rất hoang mang, lo lắng khi bất ngờ UBND huyện Đông Anh ban hành các Quyết định buộc phá dỡ toàn bộ hệ thống nhà xưởng mà các doanh nghiệp đã xây dựng và vẫn đang vận hành ổn định. Nếu nhà xưởng bị phá dỡ theo các Quyết định mà UBND huyện Đông Anh ban hành thì các doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, không thể tiếp tục giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động.

Như đã phân tích, việc đảm bảo việc làm cho người lao động không chỉ là của người sử dụng lao động mà còn của Nhà nước. Vì vậy, UBND huyện Đông Anh cùng với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải xem xét đến quyền lợi của gần 2.000 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Để đảm bảo chính sách về lao động của Nhà nước, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện về việc làm cho người lao động thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp đã gắn bó, đầu tư và đóng góp cho sự phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước suốt những năm qua, cần xem xét cho các công trình, nhà xưởng của các doanh nghiệp được tồn tại vì sự phù hợp với quy hoạch đất công nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người lao động” – Hết trích đăng.

Với những gì đã và đang diễn ra, các doanh nghiệp đã tạo hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương và vùng lân cận, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng năm với con số hàng tỷ đồng, thiết nghĩ UBND TP Hà Nội, UBND huyện Đông Anh và các Sở, ngành liên quan có giải pháp để các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, sớm ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đồng Nai: Đường xuống cấp hơn 10 năm người dân chỉ biết “kêu trời“

Nhiều năm nay, đoạn đường Yết Kiêu đoạn từ Quốc lộ 1A dẫn vào khu dân cư phường Long Bình đang xuống cấp nghiêm trọng, kết cấu không đảm bảo. Việc đi lại của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị nâng cấp, sửa chữa nhưng đến nay đường vẫn chưa được cải thiện được công việc chỉ dừng lại ở khâu “chắp vá”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/doanh-nghiep-buoc-phai-thao-do-nha-xuong-2000-lao-dong-dung-truoc-nguy-co-that-nghiep-d111517.html