Doanh nhân ngoại quốc sát hại đồng hương tại TP HCM: Nghi phạm có bị dẫn độ về Hàn Quốc?

01/12/2020 11:43

Kinhte&Xahoi Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã làm rõ nguyên nhân ban đầu về vụ án xác người giấu trong vali xảy ra tại căn nhà số 24, đường số 3, khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7. Cơ quan Công an cũng đang củng cố hồ sơ để xử lý Jeong In Cheol (SN 1985, quốc tịch Hàn Quốc, lưu trú quận 7) về hành vi “giết người” và “cướp tài sản”.

Qua đấu tranh, Jeong In Choel đã thừa nhận toàn bộ hành vi “giết người” và “cướp tài sản” và khai ra động cơ thực sự là xuất phát từ chuyện nạn nhân Han Tong Duk (SN 1987, quốc tịch Hàn Quốc) nợ tiền nhưng không chịu trả.

Cụ thể, đầu năm 2018 Jeong In Cheol thuê căn nhà số 24 để mở công ty Crearta Việt Nam, hoạt động về lĩnh vực cung cấp giải pháp marketing cho các sản phẩm Hàn Quốc và môi giới đa lĩnh vực. Giai đoạn dịch Covid-19 đến nay thì công ty phát sinh khó khăn theo tình hình chung.

Công an lấy lời khai Jeong In Cheol.

Jeong In Cheol khai bản chất thật sự là, trước đây nạn nhân Han Tong Duk đã mượn của Jeong In Cheol số tiền vài tỷ VNĐ.

Khi tình hình kinh doanh khó khăn, Jeong In Cheol đòi tiền thì nạn nhân Han Tong Duk hứa hẹn, không chịu trả. Trong khi đó để có tiền xoay sở, Jeong In Cheol đã vay mượn khắp nơi.

Gần đây, các chủ nợ gây áp lực để đòi nợ Jeong In Cheol khiến nghi phạm sống bất an.... Nghĩ Han Tong Duk quỵt nợ mình nên Jeong In Cheol bực tức, nghĩ đến chuyện gây án với người đồng hương.

Trước khi gây án 1 ngày, tức vào ngày 25/11 Jeong In Cheol đã mua 2 cưa tay, 1 kềm cộng lực để mang về ngôi nhà số 24, lên kế hoạch chi tiết.

Chiều 26/11 Jeong In Cheol gọi điện hẹn Han Tong Duk đến trụ sở công ty của mình để nói chuyện, giải quyết nợ nần. Khi Han Tong Duk lái ô tô đến thì Jeong In Cheol vẫn vờ thân tình. Không nhắc về chuyện nợ nần nhiều, Jeong In Cheol mời bạn uống bia.

CQĐT xác định Jeong In Cheol đã bỏ thuốc ngủ cực mạnh vào bia để chuốc cho Han Tong Duk uống, nhanh chóng gục tại chỗ. Nghi phạm dùng tay bóp miệng, mũi của Han Tong Duk cho đến khi nạn nhân tử vong.

Trong đêm 26/11 Jeong In Cheol đã phân xác nạn nhân thành nhiều đoạn bỏ trong valy du lịch màu hồng tại nhà vệ sinh tầng 1 và các bịch nilong tại nhà vệ sinh tầng 3 của ngôi nhà.

Động cơ gây án mà Jeong In Cheol khai là bực tức khi đòi nợ bạn không được nên phân xác cho hả cơn giận. Dù ban đầu không tính toán chuyện cướp tài sản nhưng lúc đó Jeong In Cheol đã lục soát lấy của Han Tong Duk 2 lượng vàng và số tiền mặt, tổng cộng khoảng 200 triệu đồng. Jeong In Cheol còn cướp xe ô tô của Han Tong Duk để tẩu thoát.

Chiều tối 27/11 khi phát hiện vali và những bịch nilong chứa những đoạn thi thể người, Công an TP HCM lập tức vào cuộc điều tra. Theo dấu chiếc xe, đến chiều 28/11, trinh sát đã bắt giữ được nghi phạm Jeong In Cheol đang ẩn náu tại nhà người bạn tại chung cư Masteri Thảo Điền, quận 2.

Sau khi vụ án xảy ra, nhiều ý kiến băn khoăn: Hiệp định dẫn độ và Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2005. Vậy sau khi gây án, nghi phạm trong vụ án này có bị dẫn độ về Hàn Quốc hay không?

Công an phong tỏa hiện trường. 

Theo Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội, hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc thi hành án.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho rằng, theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế.

Trường hợp điều ước quốc tế không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Với quy định trên, LS này cho rằng trong vụ án này, nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam mà không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Trong trường hợp Hàn Quốc muốn dẫn độ nghi phạm này thì cần có văn bản yêu cầu dẫn độ. Việt Nam sẽ căn cứ vào Hiệp định số 46/2005/LPQT về dẫn độ giữa hai nước cùng các văn bản pháp lý có liên quan để đưa ra quyết định đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.

Một chuyên gia pháp lý khác đồng quan điểm cho rằng nếu Hàn Quốc có yêu cầu và Jeong In Cheol đáp ứng điều kiện tại Điều 33, 34 Luật Tương trợ Tư pháp 2007 thì người này có thể bị dẫn độ về Hàn Quốc để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn nếu Hàn Quốc không có yêu cầu thì theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, nghi phạm sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật Việt Nam.

Đánh giá vụ án mạng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học Bộ Công an, cho rằng nghi phạm Jeong In Cheol giết người và cướp tài sản do sự thúc đẩy của nhiều động cơ gây án. Đó là yếu tố tâm lý bên trong thúc đẩy thủ phạm thực hiện hành vi để đạt được mục đích.

Trong vụ án này, chuyên gia Hiếu nhận định rất có thể ban đầu, nghi phạm nảy sinh ý định phạm tội do những bức xúc, dồn nén về cảm xúc vì nạn nhân không trả nợ. Đây có thể là yếu tố tâm lý dẫn dắt Jeong In Cheol đi đến hành động bạo liệt là tước đoạt sinh mạng của nạn nhân, vốn là người có quan hệ bạn bè đồng hương, chung vốn làm ăn với nghi phạm.

Ngoài ra, Jeong In Cheol đang gặp những khó khăn về kinh tế. Khi xuất hiện thêm mâu thuẫn thù tức với bạn, ngoài ý định giết người, nghi phạm còn có thêm động cơ gây trọng án nhằm chiếm đoạt tài sản, để giải quyết khó khăn về tài chính. 

Căn cứ lời khai của Jeong In Cheol, ông Hiếu cho rằng với sự thúc đẩy cùng lúc của 2 động cơ là mâu thuẫn thù tức và cướp tài sản, nghi phạm đã tính toán biện pháp chuốc thuốc mê rồi đoạt mạng nạn nhân.

Tuy nhiên, điều khó hiểu trong tâm lý của nghi phạm là sau khi thực hiện việc cắt rời thi thể nạn nhân, Jeong In Cheol không di chuyển vali chứa xác đến nơi kín đáo để xoá dấu vết. Ngược lại, anh ta để thi thể nạn nhân và dụng cụ gây án ngay tại hiện trường. 

"Điều đó cho thấy nghi phạm có những cảm xúc bấn loạn, sợ hãi trong tâm lý sau khi giết người", ông Hiếu nói và nhìn nhận khi đã hoảng loạn và sợ hãi bị bắt giữ, tội phạm thường có xu hướng muốn trốn chạy, nhanh chóng thoát ly càng xa càng tốt khỏi hiện trường. Việc mang theo thi thể có thể gây khó khăn cho quá trình đào tẩu.

Theo chuyên gia, những vụ án mạng xuất phát từ giao dịch dân sự xảy ra khá nhiều trong đời sống. "Đồng tiền gắn liền khúc ruột. Khi một bên tham gia giao dịch không giữ đúng cam kết ban đầu, dễ làm phát sinh những bức xúc tâm lý cho bên còn lại", ông Hiếu phân tích.

 Hoàng Ngọc - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cách ly 235 người liên quan 2 ca mắc COVID-19 tại TP.HCM

Liên quan đến 2 ca nhiễm COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh, tối 30/11, Sở Y tế Thành phố thông tin các cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 235 người, trong đó có 157 người cách ly tập trung và 72 người cách ly tại nhà; đồng thời phong tỏa các địa điểm mà 2 bệnh nhân này từng lui tới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/doanh-nhan-ngoai-quoc-sat-hai-dong-huong-tai-tp-hcm-nghi-pham-co-bi-dan-do-ve-han-quoc-d142167.html