Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng và Cách mạng Việt Nam

09/07/2022 07:48

Kinhte&Xahoi Với 29 năm tuổi đời nhưng có tới hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, 2 năm làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đi vào lịch sử dân tộc là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta và mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời cách mạng Việt Nam.

Đất nghèo nuôi chí anh hùng cách mạng

 Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Ninh. Đây là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Kế thừa truyền thống của gia đình, quê hương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, tổ chức, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến và đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta khi tuổi đời còn rất trẻ.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng xứ Kinh Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là hậu duệ đời thứ 17 của danh nhân Nguyễn Trãi. Thân phụ của đồng chí là cụ Nguyễn Văn Quán – một nhà nho nghèo yêu nước, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Khuyến, người phụ nữ hiền thục đảm đang.

Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Ảnh tư liệu)

Chính vì vậy, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bắt đầu từ rất sớm. Năm 1925, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tốt nghiệp trường sơ học và thi đỗ vào trường Bưởi ở Hà Nội. Tại đây, đồng chí đã nhanh nhạy tiếp xúc với nhiều tài liệu sách báo cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi về và hăng hái tham gia các phong trào yêu nước của sinh viên chống thực dân Pháp. Đầu năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN). Đang học năm thứ 2 của trường Bưởi thì đồng chí bị mật thám Pháp phát hiện có tham gia vào các hoạt động yêu nước cách mạng và bị đuổi học.

Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được đồng chí Ngô Gia Tự, là Bí thư Tỉnh hội VNCMTN Bắc Ninh, giới thiệu với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư Tỉnh hội VNCMTN Hải Phòng đưa đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh. Cũng từ đấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoàn toàn bước vào con đường hoạt động cách mạng.

Với nhiều thành tích trong hoạt động cách mạng, tháng 6/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành cán bộ Đảng cốt cán đầu tiên ở vùng than Đông Bắc. Đến cuối năm 1929, đồng chí được cử về công tác tại mỏ Mạo Khê, nơi có truyền thống đấu tranh của công nhân nhưng đang bị địch tăng cường khủng bố đàn áp, để trực tiếp chỉ đạo gây dựng lại cơ sở và phong trào cách mạng ở đây.

Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê và mở đầu cho thời kỳ thành lập các Chi bộ Đảng Cộng sản ở vùng mỏ. Trước sự phát triển của các cơ sở Đảng ở vùng mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có sáng kiến thành lập Đặc khu mỏ, được Trung ương đồng ý và đồng chí được cử làm đại diện của Xứ uỷ Bắc kỳ phụ trách Đặc khu mỏ.

Giữa lúc phong trào cách mạng vùng mỏ đang phát triển mạnh mẽ, ngày 15/2/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt, dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng moi tin tức nhưng chúng đều thất bại. Sau đó chúng đưa đồng chí về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) giam cầm. Mặc dù không đủ bằng chứng nhưng Tòa Đề hình Hà Nội vẫn xử đồng chí án tù chung thân và đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp và áp lực đấu tranh của Nhân dân ta, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do.

Tháng 7/1937, đồng chí tham gia thành lập Xứ ủy Bắc kỳ mở đầu cho thời kỳ khôi phục các cơ sở Đảng ở Bắc kỳ và Trung kỳ, đồng thời mở ra thời kỳ đấu tranh của Nhân dân đòi dân sinh, dân chủ và đưa Đảng ra hoạt động công khai. Ngày 30/3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Từ đây, với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo kiệt xuất

Khi được hỏi vì sao Trung ương bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư khi đồng chí chỉ vừa 26 tuổi, ít tuổi hơn nhiều so với các đồng chí khác, đồng chí Lê Duẩn khi đó trả lời: Bởi đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em, là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức rất trong sáng, được mọi người kính phục.

Với cương vị là Tổng Bí thư, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng; Chỉ đạo cho phát hành cuốn "Công tác bí mật của Đảng" kịp thời gửi tới Đảng bộ các cấp; trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ...

Tháng 7/1939, đồng chí đã viết và cho ấn hành tác phẩm “Tự chỉ trích”, bút danh Trí Cường. Tác phẩm “Tự chỉ trích” là một văn kiện lý luận chính trị quan trọng của Đảng ta, tác phẩm có nội dung phong phú, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ trong Đảng.

Nhà thương Giếng nước (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn) - nơi Pháp xử bắn đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Đặc biệt, chỉ hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, trong đó xác định: Để tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa; phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; Từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.

Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới, Đảng ta cần có một cán bộ tài trí, vững vàng, kiên định để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác thì ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt tại một cơ sở cách mạng ở Bà Điểm (Gò Vấp - Gia Định). Biết đồng chí là cán bộ cốt cán của Đảng, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng tiêu diệt ý chí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Nhưng thực dân Pháp đã thất bại hoàn toàn và vào ngày 28/8/1941, chúng đã đưa đồng chí ra xử bắn tại Ngã ba Giồng (Hóc Môn - Gia Định). Trước họng súng của quân thù, đồng chí đã hiên ngang không cho chúng bịt mắt và hô vang khẩu hiệu: “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã anh dũng hy sinh giữa tuổi thanh xuân, trọn một đời vì Đảng, cách mạng, Nhân dân và quê hương, đất nước.

Mặc dù đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hi sinh, tuy nhiên, những nhận định và quyết định sáng suốt, kịp thời, những chủ trương nhạy bén và sáng tạo do Hội nghị Trung ương 5, 6 vạch ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn được Đảng và Nhân dân ta thực hiện một cách sáng tạo, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lịch sử.

Chỉ có 20 tháng, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc chỉ đạo và chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng; trong xây dựng củng cố Đảng cả về tư tưởng, tổ chức và phương thức hoạt động, trong xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong những điều kiện lịch sử khác nhau. Những đóng góp ấy thể hiện trí tuệ sáng tạo với tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta.

Không những thế, tuy tuổi đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng và dân tộc ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về lòng tin mãnh liệt ở lý tưởng cách mạng cao đẹp, tình thương yêu, quý mến giai cấp công nhân và Nhân dân lao động; sống giản dị, chan hòa cùng với Nhân dân, vì Nhân dân.

Khu lưu niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong bối cảnh toàn Đảng đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đó là, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và Nhân dân lao động; không ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, phát huy vai trò tiên phong của Đảng.

Thành kính và tri ân công lao, đóng góp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dong-chi-tong-bi-thu-nguyen-van-cu-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-ang-va-cach-mang-viet-nam-199856.html