Dự án đường Vành đai 2: Quyết tâm thông xe vào cuối năm 2022

21/02/2022 08:40

Kinhte&Xahoi Với quyết tâm thông xe vào cuối năm 2022, Tập đoàn Vingroup - nhà đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao đã và đang huy động phương tiện, nhân lực thi công tăng ca, ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy nhanh tiến độ thi công, với phương châm làm xong đến đâu có thể nghiệm thu ngay đến đó. Qua đó, sớm hoàn thiện dự án, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng) theo đúng cam kết với thành phố Hà Nội.

Công trường thi công Dự án Xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng). Ảnh: Lê Khánh

Kiểm soát tốt các mốc tiến độ

Ngay từ ngày 8-2 (tức mùng 8 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022), hơn 400 kỹ sư, công nhân đã khẩn trương ra quân trên công trường đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng. Công nhân Lê Văn Tú đang làm việc tại công trường cho biết, để bảo đảm tiến độ cũng như an toàn trên công trường, công nhân được chia thành nhiều ca làm việc liên tục.

Giám đốc Ban Quản lý dự án của Tập đoàn Vingroup (nhà đầu tư dự án) Lê Văn Nghĩa phấn khởi thông tin, đến thời điểm này, gói thầu XL-01 (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến chợ Mơ) đã hoàn thành được khoảng 90% khối lượng. Công việc còn lại như lắp đặt lan can, tường chống ồn… đang được tập trung thi công để có thể hoàn thành vào ngày 20-4. Với gói thầu XL-02 (đoạn trên cao từ chợ Mơ đến Ngã Tư Vọng), toàn bộ kết cấu phần dưới đã hoàn thành. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, với mốc thông xe kỹ thuật toàn tuyến dự kiến vào ngày 30-12-2022.

Một trong những hạng mục phức tạp nhất, quyết định đến tiến độ chung của toàn dự án là đoạn cầu cạn vượt qua nút Ngã Tư Vọng. Với chiều dài 90m, chiều cao 28m, cầu vượt tại nút giao Ngã Tư Vọng được coi là cầu vượt cạn có chiều cao và độ dài lớn nhất tại nội đô, cao hơn gấp 1,5 lần so với các trụ cầu bình thường khác của dự án để bảo đảm không ảnh hưởng đến Dự án Đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ triển khai sau này. Nhịp cầu với chiều dài 90m này có tổng khối lượng khoảng hơn 900 tấn bê tông.

“Khó nhất là vừa phải thi công trên cao, vừa bảo đảm an toàn giao thông bên dưới. Đoạn cầu này có 3 mối nối thì ngày 22-2 tới đây, chúng tôi sẽ hợp long mối đầu tiên. Mối cuối cùng dự kiến hợp long vào ngày 25-3. Hiện, tiến độ và chất lượng vẫn đang được kiểm soát tốt”, ông Lê Văn Nghĩa nói.

Làm xong đến đâu nghiệm thu đến đó

Đoạn trên cao vượt qua Ngã Tư Vọng hoàn thành sẽ nối thông với đoạn trên cao từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở, đã được thông xe từ tháng 11-2020. Cùng với đó, đoạn dưới thấp Vĩnh Tuy - chợ Mơ - Ngã Tư Vọng, dài hơn 3km, cũng đang được thi công đồng bộ.

Đề cập tới việc kiểm soát tiến độ, chất lượng của dự án giao thông trọng điểm này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Phạm Văn Cương cho biết, chủ đầu tư đã huy động máy móc, nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để không chỉ rút ngắn tiến độ mà còn kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, làm xong đến đâu nghiệm thu đến đó. Theo tính toán, dự án này có thể vượt tiến độ khoảng hơn 10 tháng so với yêu cầu của thành phố.

Cũng theo ông Phạm Văn Cương, phần đường trên cao được thi công với công nghệ cầu bê tông cốt thép trên đà giáo di động. Các tiêu chuẩn kỹ thuật đúc dầm được bảo đảm ở mức tốt nhất bằng hệ thống quan trắc hoạt động liên tục. Đặc biệt ở dự án này, ngoài các định mức, chỉ tiêu quy định, Vingroup còn bổ sung quy trình kỹ thuật thử tải gần như 100% để bảo đảm an toàn nhất cho tuyến đường khi đưa vào khai thác. Đoạn trên cao hoàn thành đến đâu đoạn dưới thấp cũng sẽ thi công “cuốn chiếu” đến đó để hoàn thành toàn bộ dự án và bàn giao cho thành phố Hà Nội trong năm 2023.

Trực tiếp thị sát công trình trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá cao những nỗ lực của nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu trong việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy nhanh tiến độ thi công. Cùng với đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho dự án triển khai thuận lợi.

"Chỉ đạo chung của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội là quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai các công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Do đó, các đơn vị đã làm tốt thì cần làm tốt hơn nữa. Tăng tốc thi công, khẩn trương “về đích” song vẫn phải đáp ứng yêu cầu chất lượng”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

 Tuấn Lương - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngăn ngừa, chặn đứng lợi ích nhóm

1. "Lợi ích nhóm" là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó. Xét về mục đích và tính chất, "lợi ích nhóm" có thể phân chia thành hai loại: "Lợi ích nhóm" tích cực và "lợi ích nhóm" tiêu cực.

Động lực phát triển mới

Họp với các bộ, ngành, địa phương về tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khởi công trong giai đoạn 2021-2025 diễn ra đầu năm Nhâm Dần 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, phát triển đường bộ cao tốc sẽ tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà tuyến cao tốc đi qua.

link bài gốc https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1025217/du-an-duong-vanh-dai-2-quyet-tam-thong-xe-vao-cuoi-nam-2022