Ảnh minh họa.
Đến năm 2025, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 87%, trong đó nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất là 28%; kế đến là sơ cấp chiếm 21%, đại học chiếm 19%, cao đẳng chiếm 16% và trên đại học chiếm 3%.
Đại diện Falmi cho biết, nhu cầu nguồn nhân lực sẽ tập trung nhiều nhất ở các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 66% tổng nhu cầu nhân lực. Tương tự, ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 32,8% tổng nhu cầu và thấp nhất là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp chiếm 1,2% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhu cầu nhân lực tập trung ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 21%, trong đó ngành cơ khí chiếm 5%, ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm 8%, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 4%, hóa chất – nhựa cao su chiếm 4%. Ở 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ gồm: Tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; giáo dục – đào tạo; du lịch; y tế; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai; thương mại; dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng 55%.
Các ngành khác như: Công nghệ sinh học, kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng, dệt may, giày da, thiết kế mỹ thuật ứng dụng, thiết kế thời trang, công nghệ truyền thông, công nghệ nông nghiệp và chế biến thủy hải sản chiếm tỷ trọng 24%.
Theo đại diện Falmi, trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, một số ngành sẽ tiếp tục thu hút nguồn nhân lực như: Điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ vận tải, kho bãi, các dịch vụ cảng, thương mại, du lịch, tài chính tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, kiến trúc, xây dựng, môi trường, công nghệ, nông lâm…
Tương tự, sự tác động của hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua đã thúc đẩy nhiều tổ chức doanh nghiệp có những điều chỉnh nhất định đối với quá trình hoạt động để phù hợp với yêu cầu thay đổi, phát triển.