“Đụng đâu, sai đó”

10/05/2022 09:12

Kinhte&Xahoi Tưởng rằng sau khi cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam hàng chục đối tượng tại hàng loạt tỉnh, thành liên quan sai phạm trong mua sắm vật tư xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19; thì số đối tượng “trong vòng ngắm” đã không còn nhiều.

Ảnh minh họa.

Ai ngờ, thực tế cho thấy cơ quan chức năng kiểm tra vẫn phát hiện ra không ít vụ sai phạm mới.

Mới đây nhất, Thanh tra tỉnh Bình Phước ban hành thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, bộ sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Thời gian từ 1/1/2020 - 31/12/2021.

Kết quả cho thấy phần lớn các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong thời gian này đều áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu. Các gói thầu này được xác định là mua sắm trong trường hợp cấp bách, tuy nhiên công tác thực hiện thủ tục mua sắm lại không hợp lý.

Cụ thể, khi xác định là cấp bách thì chủ đầu tư cần phải lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay gói thầu nhằm cung cấp kịp thời vật tư, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch sau đó mới hoàn thiện thủ tục sau.

Thực tế, các chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn lại làm ngược lại là hoàn thiện thủ tục xong rồi mới ký hợp đồng với nhà thầu để họ cung cấp vật tư, thiết bị dẫn đến thời gian mua sắm bị kéo dài. Qua thống kê, thời gian kể từ thời điểm có nhu cầu cần mua sắm đến khi hoàn thiện xong thủ tục, tiến hành ký kết hợp đồng ở cấp tỉnh từ 20-43 ngày; ở cấp huyện từ 5-15 ngày.

Như vậy, giữa việc xác định là cấp bách nhằm mục đích thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu với việc tổ chức thực hiện hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nếu là cấp bách thì phải mời ngay (chỉ trong khoảng 1-3 ngày) nhà thầu vào thực hiện gói thầu, sau đó mới hoàn thiện thủ tục thì thực tế là ngược lại. Điều này cho thấy, việc xác định gói thầu thuộc trường hợp cấp bách là không phù hợp.

Điển hình là gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch do Sở Y tế làm chủ đầu tư với giá trúng thầu hơn 7,8 tỷ đồng, thời gian làm thủ tục 41 ngày, thực hiện hợp đồng 45 ngày (tổng thời gian từ lúc có nhu cầu đến lúc mua sắm xong 86 ngày).

Chưa hết, trong thời gian Đoàn thanh tra làm việc, CDC tỉnh cung cấp hồ sơ và báo cáo Đoàn Thanh tra rất chậm so với yêu cầu.

Còn một chuyện “kỳ khôi” không kém, vừa xảy ra ở một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là Giám đốc CDC tỉnh này mới báo cáo, giao nộp túi quà 450 triệu đồng do người của Cty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) mang đến nhà. Trả lời báo chí, vị Giám đốc cho rằng sự việc diễn ra gần nửa năm trước vào trưa 3/12/2021. Lúc đó, ông “vừa về tới nhà ở TP Vị Thanh, đang ăn cơm, có người gọi điện xưng ở Cty Việt Á, đến hỏi thăm sức khỏe và công tác phòng chống dịch của tỉnh... Sau đó, người này ra xe cầm chiếc túi “bồi dưỡng cho anh em phòng chống dịch””.

Theo vị Giám đốc, chiều cùng ngày ông đem túi “quà” đến cơ quan, mời các phòng chức năng và trình bày lại sự việc Cty Việt Á gửi tiền; cùng với cơ quan lập biên bản, niêm phong và giao cấp dưới báo cáo lãnh đạo tỉnh.

Không rõ vì sao sự việc đến nay mới được công bố. Đáng lưu ý, trước đó vài ngày, hôm 5/5, tỉnh này công bố kết luận thanh tra về việc “mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống COVID-19 với Sở Y tế tỉnh này.

Lợi dụng dịch giã để “té nước theo mưa”, để xảy ra những chuyện bê bối như vậy thì quả là thực tế thật đáng buồn.

 Minh Khang - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không dễ dãi với những luận án tiến sĩ chưa xứng tầm

Trên các diễn đàn học thuật, mạng xã hội những ngày qua lan truyền hình ảnh trang bìa luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã tỏ rất bất ngờ và cho rằng, nghiên cứu này “không giúp ích gì cho cuộc sống”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/dung-dau-sai-do-d181600.html