Đừng để Việt Nam 'chết danh' ở nước ngoài vì những hành động xấu!

02/12/2019 11:13

Kinhte&Xahoi Những hành động vô ý thức của một bộ phận người dân Việt mỗi khi ra nước ngoài như: Tiểu bậy, vẽ bẩn lên di tích, trộm cắp… vô tình khiến hình ảnh người Việt trở nên xấu xí, phản cảm trong mắt bạn bè quốc tế. Và vô hình trung cũng từ đó, người Việt bị kỳ thị…

Trộm cắp ở nước ngoài - thói xấu của nhiều người Việt

Quá nhiều tiếng xấu

Không hiếm để liệt kê ra những vụ việc khiến người Việt “chết danh” với tiếng xấu khi ở nước ngoài. 

Hai người Việt trộm kính hàng hiệu ở Thụy Sĩ - đó là thông tin mà tháng 7/2015, Cảnh sát thành phố Zurich (Thụy Sĩ) đã thông báo rộng rãi. Hai người Việt đã gỡ thẻ giá và thẻ thông tin sản phẩm của 3 chiếc kính hiệu Gucci và Louis Vuitton với trị giá hơn 300 USD mỗi chiếc, sau đó đeo hai trong số 3 vật phẩm đánh cắp ra khỏi cửa hàng. Hai du khách bị bảo vệ trung tâm bắt lại ngay sau khi sự việc xảy ra và bàn giao lại cho cảnh sát thành phố. 

Tháng 8/2017, tờ Apple Daily của Đài Loan cho đăng tải hình ảnh thu hút sự chú ý của dư luận. Theo đó, bức ảnh chụp lại cảnh hai vị khách người Việt đang đi tiểu xuống hồ Nhật Nguyệt, một điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan, trong khi nhà vệ sinh cách đó chỉ khoảng 200m.

Được biết, nhóm du khách Việt Nam có khoảng 30 người và nhiều nam giới trong nhóm đã thực hiện hành vi vô ý thức này. Cộng đồng mạng xứ Đài sau đó đã tỏ ra phẫn nộ, bất bình trước hành động của du khách Việt và cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận được. 

Đầu tháng 8/2018, Cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ ba công dân Việt Nam sau khi phát hiện 1.700 vật phẩm bị đánh cắp trong một ngôi nhà ở tỉnh Saitama. Cơ quan chức năng đã phát hiện 1.700 mặt hàng ăn cắp với hơn 300 trong số đó là thuốc và mỹ phẩm tại nơi ở của một người Việt tại phố Kawaguchi, tỉnh Saitama. Tại cơ quan điểu tra, người này đã thú nhận tất cả các vật phẩm trong nhà hầu hết là hàng hóa ăn cắp.

Giữa tháng 9/2018, tờ Straits Times đưa tin hai người đàn ông và hai phụ nữ Việt Nam đã bị cáo buộc ăn trộm gần 900 món đồ thuộc nhóm quần áo phụ nữ, bao gồm đồ lót, có tổng trị giá 26.000 SGD (gần 450 triệu đồng) ở Singapore. Để qua mặt máy quét chống trộm tại cửa hàng, nhóm này đã bỏ các món đồ vào túi có lót giấy bạc. Cảnh sát Singapore nói đây là vụ trộm cửa hàng lớn nhất về giá trị và số lượng trong những năm gần đây…

Công tác lâu năm trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra 8 thói xấu của nhiều người Việt hiện nay như: Trang phục (hình ảnh người Việt mặc đồ ngủ, đồ bộ khi ra khỏi nhà khá phổ biến, thậm chí cả xuống hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo… ở nước ngoài, cá biệt có người còn ở trần ra phố, coi cả thế giới như nhà mình); ngôn phong (nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào và chửi thề, từ khu vực lễ tân khách sạn, nhà hàng đến chỗ tham quan; nơi nào cũng oang oang “ngoại ngữ địa phương” như chỗ không người); ồn ào (ra nước ngoài, cứ thấy chỗ nào ồn ào nhất, đích thị đó là khách Trung Quốc, Nga hoặc Việt Nam.

Khách các nước tự nhiên giãn ra vì không gian yên tĩnh riêng tư bị chiếm đoạt); tác phong lề mề (người Việt rất ít khi đúng giờ, thói quen này gây không ít phiền hà, khó chịu cho người khác, đặc biệt là các đối tác hoặc các đoàn  quốc tế vì bắt cả đoàn phải chờ đợi hoặc chương trình bị đảo lộn); chen lấn khi lên tàu xe, vào nhà hàng, khi ăn buffet, vào điểm tham quan; ăn uống người Việt có thói quen dùng đũa, muỗng riêng để lấy thức ăn chung, gắp đồ ăn cho người khác, bỏ thức ăn thừa mứa; giữ vệ sinh (không chỉ khách bình dân mà cả các thầy, cô giáo, nhân viên công vụ và cả cán bộ, cứ tùy tiện “tặng hoa cho đời”, xả rác và khạc nhổ gần như là thuộc tính của một số khách Việt); đạo đức (tật táy máy, thích cầm nhầm đồ của người khác, nhất là trong các cửa hàng – cửa hiệu nước ngoài, của người Việt là nỗi ám ảnh của nhiều nước có du khách Việt;  xuất khẩu tệ nạn và lao động “chui” (lợi dụng chính sách thông thoáng du lịch, một số phần tử xấu đã tranh thủ “xuất khẩu tệ nạn” sang các nước khác hoặc trốn lại, cư ngụ bất hợp pháp)…

Hãy tự hỏi tại sao mình bị kỳ thị

Loạt hành vi phản cảm nêu trên không những khiến cộng đồng quốc tế có những đánh giá tiêu cực, ác ý về người Việt Nam mà còn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Việt bị kỳ thị, xa lánh mỗi khi đi du lịch, du học hay sinh sống ở nước ngoài.

Bạn có buồn không khi nghe câu chuyện của ông Nguyễn Văn Mỹ rằng, khi ông tham gia Ban tổ chức “Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao” lần đầu tiên tại PhnomPenh (Campuchia). Khi đưa đoàn đi ăn trưa, tài xế người Khmer rất ngạc nhiên khi biết nhóm người là người Việt nên cứ thắc mắc: “Các ông không giống người Việt gần nhà tôi chút nào, vì họ hay uống rượu, đánh lộn; câu nói nào cũng có chửi thề”.

Rồi năm 2008, ông Nguyễn Văn Mỹ làm Trưởng đoàn du lịch cho đoàn khách toàn lãnh đạo đi châu Âu, có cả chủ tịch tỉnh, các giám đốc sở, cả đoàn đã bị Cảnh sát Ý mời vào phòng làm việc vì gây ồn ào quá mức tại nhà ga Venise, khiến cảnh sát nghi ngờ đây là băng nhóm tội phạm (!)

Du khách Việt tiểu bậy xuống hồ ở Đài Loan. 

 Bạn có xấu hổ không khi ở Nhật câu chuyện người Việt ăn cắp phổ biến đến mức, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại đã phải dùng biển cảnh báo bằng tiếng Việt để nhắc nhở những người Việt có ý định trộm cắp tài sản. Theo tờ Kyodo news, cảnh sát đã ghi nhận hơn 5.000 tội phạm là người Việt Nam trong năm 2017, tăng gấp đôi so với năm 2016 và chiếm 30,2% trong số tội phạm là công dân nước ngoài.

Bạn nghĩ gì khi biết Singapore liên tục từ chối du khách nữ Việt Nam nhập cảnh vì cho rằng họ sang làm gái mại dâm. Rồi nước Nga, một thời yêu quý người Việt như người thân của mình thì giờ chỉ cấp visa cho du khách Việt đúng số ngày tour du lịch. Rồi tại sao các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… phải cảnh báo thói xấu của người Việt bằng tiếng Việt.

Nói như ông Nguyễn Văn Mỹ: “Việc gì cũng có căn nguyên, không ai tự nhiên làm khó người khác. Trước khi trách thiên hạ, phải biết tự trách mình”. 

Ở bầu hay ở ống cũng cần sự nghiêm minh của luật pháp

Không phải tất cả người Việt đều xấu như vậy. Đánh giá về tư duy, tính cách, tâm lý và tập quán của người Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau đã được một số học giả trong và ngoài nước đưa ra trong các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, các tiểu luận hay các công trình nghiên cứu xã hội học và dân tộc học.

Các đánh giá này dù tại những thời điểm lịch sử khác nhau, bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, nhưng đều cho thấy người Việt có những đức tính đáng quý như: Dịu dàng và lịch thiệp; trọng khách, giản dị, đoàn kết, thành thật với nhau, hay chia sẻ, quảng đại, yêu thích và dễ tiếp thu văn hóa nước ngoài; làm việc chăm chỉ, có tính kiên trì; luôn mong muốn vượt lên phía trước…

Người Việt cũng có câu rằng, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.Văn hóa Việt luôn khuyến khích sự linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, thay vì khư khư giữ lề lối cũ.

Quan sát kĩ một chút sẽ thấy dường như đúng là người Việt có khả năng thích ứng với thay đổi khá tốt, sống ở môi trường mới cũng sẽ nhanh chóng thay đổi bản thân để thích nghi và tồn tại. Chính vì thế, ta chứng kiến những trường hợp người Việt thay đổi hẳn cách cư xử, sinh hoạt khi ra nước ngoài sinh sống.

Nhiều người Việt khi ở trong nước thì xả rác khá thoải mái, nhưng sang tới Singapore lại nhắc nhau liên tục không xả rác, vì sợ bị phạt cả hơn chục triệu đồng. Sự thay đổi nhanh chóng này có lí do rất đơn giản, đó là khả năng thực thi luật vô cùng hiệu quả và nghiêm khắc ở Singapore.

Theo đó, người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đô la Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đô la và phải lao động công ích.

Qua ví dụ trên có thể thấy một điều là ngoài giáo dục thì luật pháp nghiêm minh, hiệu quả đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng con người tới các cách hành xử văn minh, nhân văn. Như lời ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã từng phát biểu tại Hội nghị kiểm tra đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn TP HCM ngày 20/4/2019.

Ông Thưởng nêu quan điểm rằng phát triển văn hóa con người luôn phải đi đôi xây và chống. Trong đó, xây là cơ bản nhưng chống phải quyết liệt, bởi theo ông, thói quen đạo đức chỉ được hình thành trên cơ sở cưỡng chế của pháp luật và sự cổ vũ cũng như phê phán của dư luận xã hội. Ông Thưởng dẫn chứng về đất nước Singapore: “Nếu họ không kiên trì đánh roi những người xả rác, phạt tiền những người nhả kẹo singum thì Singapore không được như ngày nay”.

Người Việt Nam không hề kém các dân tộc khác, lại thêm khả năng hòa nhập rất nhanh. Khi ra nước ngoài nhiều người cũng nhanh chóng bỏ các thói xấu vốn có ở Việt Nam và học hỏi cách sống văn minh xứ người. Vì thế, rõ ràng là nếu như việc răn đe mạnh và hiệu quả hơn thì sẽ thay đổi được rất nhiều thói hư, tật xấu mà một số người Việt đang làm hàng ngày. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dung-de-viet-nam-chet-danh-o-nuoc-ngoai-vi-nhung-hanh-dong-xau-d112238.html