Đừng nên xem thường xu thế bạo lực ở trẻ nhỏ

17/02/2023 14:25

Kinhte&Xahoi Nhiều bậc phụ huynh thường “bỏ qua” những biểu hiện nhỏ không ổn của trẻ như các hành vi hành hạ vật nuôi, bắt nạt người khác... mà không biết rằng đó chính là mầm mống của bạo lực. Nếu không uốn nắn, hệ quả lâu dài sẽ không thể lường trước được.

Bắt nạt bạn là một dấu hiệu bạo lực ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu bạo lực ở trẻ

Một vụ việc ồn ào xảy ra từ dịp Tết cho đến nay vẫn chưa khép lại là câu chuyện hai đứa trẻ giẫm gần chết một chú mèo. Ngày Tết, khi cùng cha mẹ qua nhà hàng xóm chơi, nhân lúc chủ nhà không chú ý, hai cậu bé đã chơi đùa với mèo nhà hàng xóm bằng cách... giẫm lên mèo. Hậu quả chú mèo bị thương nặng. Chủ mèo đưa mèo đi khám cho thấy bị đa chấn thương, nội thương nặng. Theo thông tin từ người chủ, hiện chú mèo đang trong tình trạng hấp hối.

Cách đây vài tháng, tại Singapore, một cậu bé đã ném mèo từ trên tầng 24 xuống. Sự việc khiến cộng đồng phẫn nộ, thậm chí một số người đã kí kiến nghị để cậu bé phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Việc trẻ em bắt nạt động vật không phải là chuyện quá hiếm hoi. Trong cuộc sống, có thể bắt gặp những cảnh như trẻ nhỏ đánh đập, đối xử tàn nhẫn, ném, dìm vật nuôi xuống hố, ao. Trong nhiều sở thú, vẫn xảy ra trường hợp trẻ nhỏ dùng đá ném động vật hoang dã bị nuôi nhốt trong chuồng khiến động vật bị thương. Thậm chí, có cả một “trào lưu” hành hạ chó, mèo lan truyền trên mạng, trong đó không ít trẻ em tham gia.

Những dấu hiệu bạo lực nơi trẻ nhỏ còn có thể biểu hiện bằng hành vi bắt nạt, bạo hành bạn bè, người chung quanh. Bạo lực học đường những năm qua đã trở thành một vấn nạn. Nhiều em nhỏ có xu hướng thích bắt nạt bạn bè cùng trường, cùng lớp. Một số em tổ chức thành nhóm để chèn ép, đánh đập những bạn học yếu thế. Đã có nhiều video trên mạng ghi lại cảnh bạo hành đáng sợ giữa các học sinh, cho thấy một số em còn nhỏ tuổi nhưng đã tổ chức đánh đập, sỉ nhục nhân phẩm bạn mình.

Tuy nhiên, dấu hiệu bạo lực cũng được thể hiện một cách khó phân biệt hơn, thông qua những hành vi thông thường của trẻ, kể cả trẻ còn rất nhỏ như gây hấn, dùng bạo lực với những người chung quanh, giành giật cho được món đồ mình muốn có, đập phá, la hét khi không đạt được ý muốn...

Đừng xem thường những biểu hiện nhỏ

Điều đáng nói là rất nhiều bậc phụ huynh không để tâm, thậm chí “xem thường” những biểu hiện bạo lực nơi trẻ nhỏ. Như trường hợp hai trẻ giẫm mèo bị thương nặng nói trên, cha mẹ của trẻ không nhận lỗi, cũng không yêu cầu con mình nhận lỗi vì hành vi đã gây ra mà còn thách thức, cho rằng “cũng chỉ là còn mèo, có gì mà cần làm quá”.

Tương tự, nhiều bậc phụ huynh chỉ lo lắng khi con mình là nạn nhận của bạo lực học đường, còn khi con là đối tượng gây ra bạo lực thì... cho qua. Họ còn cười xòa trước những hành vi bắt nạt, la hét, kích động của trẻ nhỏ vì nghĩ “trẻ con nào chẳng thế”.

Theo tâm lý học hành vi, những hành vi của trẻ như đánh đập, hành hạ vật nuôi, bắt nạt, bạo hành người chung quanh, hay la hét, đập phá... chính là xu thế bạo lực tiềm ẩn trong trẻ được phát tác ra ngoài. Trẻ có hành vi bạo lực thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Trẻ là nạn nhân của bạo hành trong gia đình hoặc từ môi trường chung quanh; Trẻ bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, internet; Trẻ bị một tổn thương tâm lý nào đó; Trẻ bị bỏ rơi, thiếu tình yêu thương, mong muốn lôi kéo sự chú ý; Trẻ bị thiếu hụt hoóc môn...

Một khi trẻ đã có những dấu hiệu của bạo lực, phụ huynh nên chú ý, quan tâm đến trẻ, tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề để cùng con giải quyết, điều chỉnh những lệch lạc trong tâm lý, giáo dục, uốn nắn con bỏ đi những thói xấu, tăng trưởng tình yêu thương nơi trẻ. Phụ huynh lơ là, bỏ rơi trẻ, xem thường những dấu hiệu nhỏ có thể sẽ dẫn đến những nguy cơ như trẻ ngày càng lậm sâu vào bạo lực, trẻ phát triển lệch lạc, dần dà càng lớn càng phát triển xu thế bạo lực ấy, khiến tính cách trẻ méo mó, có thể gây nguy hại cho chính mình và xã hội.

Theo Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được ban hành bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội hiện nay.

Gia đình là cái nôi ươm trồng và nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm và nhân cách cho trẻ em. Sự giáo dục của cha mẹ được thể hiện qua từng giai đoạn phát triển của trẻ. Qua quá trình quan sát, gần gũi bên con, cha mẹ tập cho con những tính cách tốt, loại bỏ thói hư tật xấu, định hướng con chọn bạn và bày tỏ những cảm xúc, cách ứng xử với mọi hiện tượng, sự vật xung quanh.

Giáo dục đạo đức cho con cần chú trọng giáo dục tình yêu thương, sự chăm chỉ, biết nghe lời và lễ phép với người trên, nhường nhịn em nhỏ, biết tôn trọng ý kiến của mọi người... tự mình lựa những giá trị tinh thần cho đời mình, biết cái gì hay, cái gì đẹp để thực hiện, tránh sự độc ác, thấp hèn... 

 Ngọc Mai- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốchttps://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/dung-nen-xem-thuong-xu-the-bao-luc-o-tre-nho-d190292.html