Đường sắt Việt Nam nguy cơ phá sản vì bị ‘đẩy đến bước đường cùng’

15/04/2021 07:45

Kinhte&Xahoi Ngành đường sắt đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, nguy cơ phá sản do những vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt không được tháo gỡ.

Đường sắt Việt Nam đang rơi vào khó khăn. (Ảnh: VNR)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kiến nghị khẩn đến Thủ tướng liên quan việc xây dựng Đề án án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Lãnh đạo VNR cho biết các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR.

“Nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết.

Theo VNR, những năm qua, doanh nghiệp là đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh trực tiếp toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Với hệ thống đường sắt đơn, tình trạng kết cấu hạ tầng đường sắt rất lạc hậu, xuống cấp, với 5.531 điểm giao cắt đồng mức với đường bộ, nhiều nút thắt cổ chai, đi qua nhiều khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt...

Để đảm bảo hoạt động chạy tàu thông suốt, an toàn, liên tục, đòi hỏi việc chỉ huy, điều hành phải kịp thời, đồng bộ, phối hợp hết sức chặt chẽ, thường xuyên giữa các bộ phận bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, điều hành khai thác.

Tuy vậy, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) trình Thủ tướng tới thời điểm này vẫn tiếp tục tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản, gia tăng giấy phép con.

Đặc biệt vẫn đề xuất cơ chế giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam - cơ quan chỉ thực hiện chức năng tham mưu trực thuộc Bộ GTVT và không quản lý tài sản.

VNR cho rằng đề xuất của Bộ GTVT tại đề án không những không khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn gây ra rất nhiều đình trệ, ách tắc cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải.

Trước đó, cho ý kiến thẩm định về đề án, Bộ Tư pháp cho biết, đại diện tất cả các bộ ngành (trừ Bộ GTVT) đều thống nhất ý kiến lựa chọn phương án giao cho VNR quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đến năm 2030, nhằm tạo khoảng thời gian hợp lý để lập và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng, phương án Bộ GTVT giao dự toán cho VNR như trước đây không trái quy định, giảm các khâu trung gian không cần thiết.

Ngày 24/3, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp, hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

 Hòa Bình - Theo VTC News

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://vtc.vn/duong-sat-viet-nam-nguy-co-pha-san-vi-bi-day-den-buoc-duong-cung-ar606678.html