Eximbank bị tố cáo vi phạm quyền cổ đông

28/07/2020 17:28

Kinhte&Xahoi Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 và công bố thông tin.

 

Đại hội cổ đông thường niên ngày 30/6 vừa qua của Eximbank không có đủ số lượng cổ đông tham dự cần thiết (Ảnh: Thy Thơ)

Ông Hoàng Đôn Hùng - người đại diện theo uỷ quyền của một cổ đông Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ngày 27/7 vừa có đơn tố cáo gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Nội dung tố cáo về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Eximbank trong việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 và công bố thông tin.

Cụ thể, trong thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 dự kiến diễn ra vào ngày 29/7 tới đây, Eximbank yêu cầu cổ đông phải xuất trình bản chính thông báo mời họp, nếu không, việc đăng ký tham dự sẽ do Ban kiểm tra tư cách cổ đông xem xét. Cùng với đó, trường hợp cổ đông uỷ quyền thì người được uỷ quyền cũng phải xuất trình được bản chính thông báo mời họp và giấy uỷ quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank.

Ông Hoàng Đôn Hùng khẳng định các yêu cầu này của Eximbank là trái pháp luật, Điều lệ ngân hàng, ngăn cản việc dự họp - quyền và lợi ích căn bản nhất của cổ đông. Thông báo mời họp ĐHĐCĐ cho cổ đông là nghĩa vụ của Eximbank và tham dự họp là quyền của cổ đông. Khi thực hiện quyền này cổ đông chỉ cần chứng minh có quyền dự họp, cụ thể là có tên trong danh sách chốt cổ đông có quyền dự họp", đơn tố cáo có đoạn, dẫn chiếu Điều 34 Điều lệ Eximbank.

Căn cứ theo Khoản 5 Điều 113 Luật Doanh nghiệp và Khoản 1 Điều 4 Nghị định 71/2017, người tố cáo cũng cho rằng việc Eximbank quy định Ban thẩm tra tư cách cổ đông xem xét giải quyết trong trường hợp cổ đông không mang bản chính thông báo mời họp nhưng xuất trình được giấy tờ tuỳ thân hợp pháp là sai luật rõ ràng và tạo ra bất bình đẳng, không công bằng giữa các cổ đông.

Việc cổ đông phải sử dụng mẫu giấy uỷ quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank (gửi kèm thông báo mời họp) cũng được ông Hùng tố cáo là trái pháp luật, ngăn cản quyền của cổ đông, căn cứ theo Khoản 1 Điều 140 Luật Doanh nghiệp và Điều 31 Điều lệ Eximbank.

Ngoài ra, người tố cáo dẫn một bài báo đưa tin các thành viên HĐQT Eximbank gồm Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết và Saitoh đã bị cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước xử phạt do không tôn trọng quyền của cổ đông nước ngoài SMBC. 

Cụ thể là SMBC với quyền hợp pháp của mình đã nhiều lần yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường nhưng bị các thành viên HĐQT trên đây không tôn trọng, trì hoãn tổ chức. Ông Hoàng Đôn Hùng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán thụ lý đơn tố cáo, xem xét các dấu hiệu sai phạm nêu trên, đồng thời buộc Eximbank công bố thông tin về việc một số thành viên HĐQT bị xử phạt hành chính.  

Đơn tố cáo được gửi đi trong bối cảnh tranh chấp quyền lực ở Eximbank không có dấu hiệu hạ nhiệt, giữa các nhóm cổ đông lớn và ngay trong nội bộ Hội đồng quản trị. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần 1 sáng ngày 30/6, chỉ có 17,54% cổ phần tham dự, dẫn tới bất thành. Ở cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 vào buổi chiều cùng ngày, dù cũng bất thành song tỷ lệ cổ phần tham dự lên tới 51,92% cho thấy sự quan tâm lớn của cổ đông. 

Trong khi Đại hội thường niên dự kiến bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, thì Đại hội bất thường do cổ đông chiến lược SMBC triệu tập lại đặt vấn đề thanh lọc Hội đồng quản trị, giảm bớt số lượng thành viên và loại bỏ những vị trí thiếu uy tín bằng phương thức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Việc HĐQT Eximbank sắp xếp để Đại hội thường niên diễn ra trước cho thấy toan tính rõ nét về việc vô hiệu hoá Đại hội bất thường - đáng ra phải được tổ chức trước.

Không lâu sau khi bất thành lần 1, Eximbank đã triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần 2, dự kiến diễn ra vào ngày 29/7. Theo Điều lệ và Luật Doanh nghiệp, nhà băng này cũng phải triệu tập Đại hội bất thường năm 2019 lần 2 trong vòng 30 ngày, tức là cũng chậm nhất vào ngày 29/7, dù vậy tới nay vẫn chưa có động thái cho thấy sự tuân thủ luật pháp của ban lãnh đạo Eximbank.

 Kiều Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lời xin lỗi đi vào lòng người của lãnh đạo Đà Nẵng

Điều không ai mong muốn đã xảy ra khi xuất hiện ca bệnh Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng. “Thủ phủ” du lịch miền Trung, nơi có gần trăm ngàn du khách đang lưu trú, đối mặt nhiều vấn đề, một trong số những điều nhiều du khách quan tâm nhất là chấm dứt kỳ nghỉ, trở về nhà.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/eximbank-bi-to-cao-vi-pham-quyen-co-dong-d130577.html