F0 không khai báo, cách ly y tế có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

04/03/2022 18:07

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, cơ sở y tế quá tải nên nhiều người dân đã tự xét nghiệm kháng nguyên và ở nhà điều trị khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Đáng lo ngại có trường hợp biết mình dương tính nhưng không khai báo với y tế cơ sở và chính quyền địa phương đã gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân người bệnh và cộng đồng.

Trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Thời điểm năm 2020-2021, hành vi không khai báo y tế, khai báo không trung thực dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 hoặc theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt có thể đến 12 năm tù. Thực tế trong những năm qua nhiều người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không khai báo y tế, khai báo gian dối dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP: Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch: 1. Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; b) Không báo cáo với UBND hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch…".

Đến thời điểm này, khi vắc xin đã phủ kín hầu hết các địa phương, hậu quả của dịch bệnh bớt nghiêm trọng hơn, chủ trương về phòng, chống dịch bệnh cũng đã có những thay đổi khiến việc xử lý đối với những người vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh cũng nhẹ hơn.

Tuy nhiên, hiện nay số ca mắc tăng cao khiến lực lượng y tế ở nhiều địa phương quá tải. Số người ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng chiếm đa số nên nhiều người đã coi nhẹ sự nguy hiểm của dịch bệnh. Nhiều trường hợp có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, thậm chí có thể có trường hợp xét nghiệm biết mình dương tính nhưng vẫn không khai báo với cơ quan chức năng mà tự điều trị, cách ly, thậm chí có thể không cách ly, vẫn đi lại bình thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Việc khai báo về tình trạng dịch bệnh với cơ sở y tế là trách nhiệm bắt buộc theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Hành vi không khai báo tình trạng bệnh tật với cơ sở y tế có thể làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị xử phạt hành chính đến 20 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cũng theo luật sư Cường, mức xử phạt hành chính nêu trên không chỉ áp dụng đối với trường hợp người mắc bệnh không khai báo, không thực hiện biện pháp cách ly y tế mà đối với trường hợp cơ sở y tế phát hiện trường hợp bệnh nhân dương tính với COVID-19 nhưng không thực hiện biện pháp cách ly y tế, không tiếp nhận điều trị, hướng dẫn thì cũng sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng, theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 117.

 
Người dân đến các cơ sở y tế khai báo, làm xét nghiệm

“Khi biết mình có triệu chứng mà không xét nghiệm, không cách ly là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với những người đã biết mình mắc bệnh rồi nhưng vẫn không áp dụng các biện pháp an toàn, không khai báo y tế, không thực hiện cách ly y tế thì không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức xã hội.

Hành vi này có thể làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của những người khác, kể cả những người thân của họ. Bởi vậy ngoài việc xem xét xử lý các trường hợp vi phạm thì cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay”, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%. Tuy nhiên, hàng ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì COVID-19 nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng "ai rồi cũng thành F0". Khi số ca COVID-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

"Tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vắc xin, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc COVID-19", ông Phu nhấn mạnh.

Hiện một số bộ phận người dân có tâm lý đã tiêm nhiều vắc xin bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Theo ông Phu, đây là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vắc xin chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.

 Thành Long - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/f0-khong-khai-bao-cach-ly-y-te-co-the-bi-phat-den-20-trieu-dong-191130.html