Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội, đa số người dân tham gia BHYT đã có thẻ BHYT điện tử là kết quả nổi bật của ngành trong công tác chuyển đổi số.
Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông phục vụ bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp.
Việc người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp đi khám, chữa bệnh BHYT mang lại tiện tích cho nhiều người, nhiều phía; đồng thời khắc phục tình trạng bệnh nhân “mượn” thẻ BHYT của người khác. Đây cũng là giải pháp phòng ngừa nguy cơ lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
Nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho bệnh nhân BHYT, các cơ quan chức năng chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Hiện gần 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp.
Đáng chú ý, bệnh nhân có thể đi khám, chữa bệnh BHYT tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ cuối tuần và ngày nghỉ lễ, trong đó có một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Phổi trung ương; Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội…
Với những tiện tích, lợi ích ngày càng thấy rõ, Hà Nội là địa phương có số lượng bệnh nhân BHYT đông nhất cả nước. Riêng 8 tháng năm 2023, các cơ sở y tế có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với BHXH thành phố Hà Nội bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT đối với hơn 8,13 triệu lượt người (gần 6,84 triệu lượt điều trị ngoại trú; hơn 1,29 triệu lượt điều trị nội trú).
Quỹ BHYT chi trả bình quân cho mỗi lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là hơn 607.000 đồng, cho mỗi lượt điều trị nội trú là hơn 8 triệu đồng. Tổng số tiền Quỹ BHYT chi trả cho công tác khám, chữa bệnh trong 8 tháng năm 2023 là hơn 14.517 tỷ đồng. Trong đó, chi khám, chữa bệnh BHYT đa tuyến ngoại tỉnh (bệnh nhân ngoài Hà Nội, đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội) với số tiền hơn 7.341 tỷ đồng, bằng 50,6% tổng chi BHYT.
So với cùng kỳ năm trước, số lượt người khám, chữa bệnh BHYT tăng 22,8%; dẫn đến số chi phí cũng tăng tương ứng với 22,1%...
Hà Hiền - Hà Nội mới