"Giá điện tăng giúp EVN có thêm 26.000 tỷ đồng doanh thu cho năm 2024"

16/11/2023 13:45

Kinhte&Xahoi Theo Chứng khoán MBS, đợt tăng giá sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho EVN dù đây vẫn là mức chưa đủ giúp cho EVN có lãi trong 2023.

Vào ngày 8/11/2023 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quyết định số 1416/QĐ-EVN về việc điều chỉnh giá mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo quyết định này, điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 9/11/2023, tương ứng tăng 4,5% so với giá bình quân hiện hành.

Cũng trong ngày 8/11/2023, Bộ Công Thương có Quyết định số 2941/QĐ-BCT quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Quyết định của Bộ Công Thương đã quy định cụ thể giá bán điện cho từng nhóm khách hàng.

Theo đó, đơn giá mới cho bậc 1 (0 - 50 kWh) tăng lên 1.806 đồng/kWh, bậc 2 (51 - 100 kWh) lên 1.866 đồng/kWh, bậc 3 (101 - 200 kWh) lên 2.167 đồng/kWh, bậc 4 (201 - 300 kWh) lên 2.729 đồng/kWh, bậc 5 (301 - 400 kWh) lên 3.050 đồng/kWh, bậc 6 (401 kWh trở lên) lên 3.151 đồng/kWh.

Đây là đợt tăng lần thứ 2 trong năm nay, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,6%. Trước đó, mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5/2023, giúp cho doanh thu của EVN tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tăng giá điện làm giảm thiểu áp lực tài chính cho EVN

Theo Báo cáo ngành Điện công bố mới đây, CTCP Chứng khoán MBS đã nhấn mạnh xu hướng khoản phải thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp điện bắt đầu từ 2022, khi nền giá đầu vào thế giới tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nổ bật trên sàn như POW, PGV, NT2, QTP, HND ghi nhận khoản phải thu với EVN tăng mạnh nhất do giá bán điện cao, đây cũng là những doanh nghiệp ghi nhận tỉ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành.

Theo đánh giá của MBS, việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỷ doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện trên.

MBS cũng cho rằng đợt tăng giá sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho EVN, tuy nhiên, đây vẫn là mức chưa đủ giúp cho EVN có lãi trong 2023.

Cụ thể, ước tính chi phí sản xuất điện bình quân của EVN sẽ vào khoảng 2.098 đồng/kWh cho năm nay, cao hơn 92 đồng/kWh (4,5%) so với mức giá bán lẻ sau đợt tăng này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thư viện Pháp luật)

MBS cho rằng quyết định tăng giá đến khá bất ngờ nhưng cũng phần nào phản ánh thực trạng tình hình tài chính của EVN, đặc biệt khi doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 29.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, ngay cả khi đã tăng giá bán điện 3% từ tháng 5.

MBS nhấn mạnh, mức tăng hồi tháng 5/2023 chưa đủ bù đắp các chi phí đầu vào, trong bối cảnh giá đầu vào các nguồn nhiệt điện (giá than, khí) đang neo ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn nền thấp trước 2021, càng trầm trọng hơn khi tỷ trọng sản lượng thủy điện – nguồn điện giá rẻ đạt mức rất thấp khi pha thời tiết không ủng hộ trong 6 tháng cao điểm đầu năm.

"Đợt tăng giá lần này sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho EVN, tuy nhiên, đây vẫn là mức chưa đủ giúp cho doanh nghiệp có lãi gộp trong 2023-2024. Giả định chi phí sản xuất không đổi, vẫn sẽ cần một đợt tăng giá nữa để EVN hoàn toàn thoát ra khỏi khó khăn", MBS đánh giá.

Tuy nhiên, nhìn sang các tháng cuối năm và 2024, MBS cho rằng các yếu tố như giá than có dấu hiệu hạ nhiệt và pha thời tiết trung tính hơn trong nửa cuối 2024 sẽ hỗ trợ giảm chi phí, cộng hưởng với việc tăng giá bán lẻ điện, giúp cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

MBS lưu ý vẫn còn nhiều dư địa để EVN tiếp tục tăng giá điện khi từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chính thức điều chỉnh tăng khung xác định giá bán lẻ điện lên 1.826 - 2.444 đồng/kWh (tương đương dư địa tăng giá còn lại là 21%).

Bên cạnh đó, dự thảo về cơ chế tính giá điện mới nếu được thông qua sẽ là cơ sở để EVN tiếp tục tăng giá điện. Cụ thể, dự thảo quy định EVN được đề xuất điều chỉnh tăng, giảm giá theo biên độ mỗi 3 tháng, tương ứng với những thay đổi về chi phí sản xuất điện, sau khi đã được Bộ Công Thương rà soát và kiểm tra.

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việc thi công, xây dựng tại số 707 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai): Cần bảo đảm an toàn cuộc sống người dân

Liên tục thông tin đến Báo Hànộimới, đại diện các hộ dân sống tại tổ 11, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cho biết, vừa qua trong quá trình thi công, mở rộng Bệnh viện Mắt Hồng Sơn, chủ đầu tư công trình xây dựng này đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về trật tự xây dựng, cũng như xả thải ra môi trường. Thế nhưng, từ khi người dân có ý kiến đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm sự việc.

Mổ chủ động lấy thai, một bé trai tử vong

Ngày 15-11, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan, Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, tại đây đã tiếp nhận 6 trẻ sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng phải thở máy, có trẻ cần duy trì thuốc trợ tim, vận mạch. Đặc biệt, có 2 trường hợp trẻ tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/gia-dien-tang-giup-evn-co-them-26000-ty-dong-doanh-thu-cho-nam-2024-d200948.html