Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV ngày 13/6, sau khi đại biểu thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giải trình một số nội dung có liên quan.
Giá thịt lợn tăng cao là vấn đề tranh luận sôi nổi tại nghị trường ngày 13/6.
Dịch tả lợn châu Phi là nguyên nhân cơ bản làm biến động giá thịt lợn. Xấp xỉ 6 triệu con lợn trong nước bị tiêu hủy vì dịch bệnh. Đàn lợn trên cả nước vì thế giảm 20% về số lượng, gần 10% về khối lượng.
Về vấn đề giá thit lợn vẫn cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: dịch tả lợn Châu Phi là một loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm, tổng đàn lợn cả thế giới giảm 12%, tổng sản lượng thực phẩm bị khủng hoảng. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến biến động giá.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình về vấn đề giá thịt lợn tăng cao trước Quốc hội chiều 13/6. Ảnh Quochoi.vn
Để khắc phục tình trạng này, ngành đã có chủ trương phát triển các loại thực phẩm khác, đồng thời nhanh chóng đẩy mạnh tái đàn bền vững để đảm bảo cung cầu sớm gặp nhau, ổn định được giá thịt lợn. Bộ cũng tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp con giống cung cấp cho bà con, các địa phương có chính sách hỗ trợ con giống;
Trả lời khi được hỏi làm thế nào để sớm đưa giá thịt lợn hạ xuống bình ổn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tập trung tái đàn thật nhanh, khuyến cáo ăn đa dạng sản phẩm, tăng cường khâu thương mại để làm sao kiểm soát không để trục lợi, không lợi dụng chuyện này để tăng giá.
Tuy nhiên, ý kiến này của Bộ trưởng gặp phải ý kiến phản biện, Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của ngành nông nghiệp nhưng chưa đồng tình với những giải pháp bộ trưởng đưa ra.
Đại biểu Thái Trường Giang cũng đề nghị Bộ trưởng xem lại giải pháp. Đại biểu đoàn Cà Mau đồng ý nguyên nhân giá tăng do quy luật cung cầu khi cung thiếu nhưng cầu nhiều. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các mệnh lệnh hành chính để hạ giá thịt lợn trong giai đoạn vừa qua không hiệu quả.
Một số đại biểu cho rằng, việc nhập lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam có tác động tức thì, góp phần giảm giá thịt lợn trong nước nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP HCM kiến nghị, những doanh nghiệp chăn nuôi lớn và sản xuất chế biến thực phẩm, cần tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường.
Nhã An