Mọi năm, giá vàng thường đi xuống sau khi đã chạm đỉnh vào ngày vía Thần Tài. Tuy nhiên, do tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra, kim loại quý này đã liên tục tăng giá trong thời gian gần đây.
Vàng vẫn được một số chuyên gia về hàng hóa cho là tài sản mua vào trong giai đoạn lãi suất giảm trên toàn cầu và trước những lo ngại về dịch bệnh bùng phát.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Gold Mining)
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,92 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,17 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 170.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 44,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,20 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 100.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 43,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,37 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 150.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đã tăng mạnh và đang được giao dịch tại ngưỡng 1.573,5 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 44,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Kinh tế Mỹ đã tạo thêm 225.000 việc làm mới trong tháng Một, cao hơn so với dự báo 164.000 việc làm của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của MarketWatch, cho thấy sức bật đáng ngạc nhiên của thị trường lao động nước này.
Nhà phân tích tại FXTM, ông Lukman Otunuga, cho rằng báo cáo việc làm tích cực làm gia tăng sự lạc quan về kinh tế Mỹ và sức hấp dẫn của đồng USD, trong khi có thể gây sức ép lên giá vàng.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới vẫn duy trì xu hướng tăng trở lại bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc đẩy mạnh những biện pháp dập dịch và vực dậy nền kinh tế.
Ngày 10/2 ghi nhận có số người tử vong vì nCoV cao nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc đại lục. Từ cuối tuần qua, số ca chết do nCoV ở Trung Quốc đại lục đã vượt qua số ca tử vong do dịch Sars trên toàn cầu năm 2002-2003 (774 người).
Nhu cầu trú bão trong bối cảnh thế giới liên tục đối mặt với những bất ổn địa chính trị và giờ đây là dịch bệnh… ngày càng cao. Giới đầu tư cũng đang cân nhắc những ảnh hưởng về thương mại nội tại trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (Trung Quốc) cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tuyên bố hồi tuần trước rằng FED "đang theo dõi sát" tình hình dịch bệnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết sự lan rộng của chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp khởi phát từ Trung Quốc là "một tầng bất ổn mới" đối với nền kinh tế châu Âu.