Giá vàng hôm nay 18/8: Vàng tăng giá tuần thứ 3 liên tiếp

19/08/2019 10:12

Kinhte&Xahoi Giá vàng trong nước đã tăng nhẹ trở lại dù vẫn đang nằm dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới lại có mức giảm rất mạnh.

Giá vàng trong nước đang được giao dịch ở mức sau.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,20 triệu đồng/lượng (bán ra).

Mức giá này tăng 200.000 đồng/lượng theo chiều mua vào so với phiên giao dịch gần nhất.

Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 41,52 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,97 triệu đồng/lượng (bán ra).

Mức giá này tăng 120.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 70.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 41,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,92 triệu đồng/lượng (bán ra).

Mức giá này tăng 50.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.        

Ảnh minh họa. (Nguồn: PNJ)

Giá vàng trong nước đang trong giai đoạn biến động mạnh do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, nên các công ty kim hoàn trong nước khá thận trọng, áp dụng mức chênh lệch lớn giữa giá mua và bán ra có lúc lên tới 600.000 – 800.000 đồng/lượng. Khách giao dịch vàng vào những thời điểm như thế này này sẽ chịu "thiệt" nhiều hơn, vì phải bán với giá thấp hơn và mua với giá cao hơn.

Tại thị trường thế giới, giá vàng giảm mạnh 10,1 USD về ngưỡng 1.512,8 USD/ounce (Theo Kitco News).

Mức giá này tương đương khoảng 42,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do, cao hơn giá vàng SJC bán lẻ từ 100.000 – 400.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước thế giới bị thu hẹp do giá vàng trong nước giảm chậm hơn.

Trong ngày 17/8, đà tăng của giá vàng bị hạn chế khi thị trường tài chính toàn cầu phục hồi, sau khi Trung Quốc có hàm ý về các biện pháp hỗ trợ hơn nữa cho nền kinh tế nước này.
 
Thị trường ngày càng tăng kỳ vọng về khả năng các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới sẽ tung ra các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, kim loại quý vẫn đang được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư tìm kiếm tài sản an toàn. Thị trường đang chờ các tín hiệu mới từ hội nghị chuyên đề thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.

Giới đầu tư vẫn đang theo dõi và tìm kiếm các manh mối về quyết định lãi suất của Fed từ nay tới cuối năm. Mặc dù khá trầm lắng trong phiên cuối tuần nhưng giá vàng vẫn tăng 1,2% trong tuần qua và đây là tuần thứ 3 vàng tăng giá liên tiếp. Kể từ đầu tháng 8, vàng đã tăng hơn 6%, tương đương gần 90 USD

Vàng giảm giá phiên này do thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại. Ngoài ra, kim loại quý này cũng chịu áp lực giảm do hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư.

Hàng loạt các số liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ không yếu như lo ngại. Chỉ số bán lẻ vừa được công bố là minh chứng cho điều này. 

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng mức bán lẻ của nước này tăng 0,4% trong tháng 7, cao hơn khá nhiều so với mức kỳ vọng 0,3% của thị trường. Con số này đã giúp làm giảm bớt nỗi lo về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ.

Tuy vậy, giá vàng được dự báo có thể tăng vọt lên 1.820 USD. Vàng tăng lên do lo ngại suy thoái kinh tế chậm lại. Các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu nới lỏng ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với những diễn biến gần đây, nhiều khả  năng Trung Quốc đã ở tư thế sẵn sàng chấp nhận suy thoái kinh tế để ngăn chặn việc tái đắc cử của ông Trump, nhằm giành thắng lợi trong cuộc thương chiến với Mỹ.

Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình tại Hong Kong đã khiến sân bay đặc khu kinh tế này hủy tất cả các chuyến bay. Bắc Kinh cho rằng các cuộc biểu tình đang diễn ra tại một thời điểm nghiêm trọng và cam kết siết chặt tội phạm bạo lực bằng "nắm đấm sắt". 

Một tín hiệu đáng lo ngại nữa là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên trong lịch sử giảm dưới 2%, theo dữ liệu của Reuters.

Thị trường tài chính toàn cầu hiện đang ở trong tình trạng bất ổn, liên tục chao đảo và nó khiến giới đầu tư nghĩ tới những xáo trộn xảy ra tương tự như hồi tháng 8 trong các năm 1998, 2007, 2011 và 2015.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mông lung phạt hành chính khiêu dâm trong thể thao

Ngày 1/8, Nghị định 46/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao chính thức có hiệu lực. Song ngay từ những ngày đầu được áp dụng, Nghị định trên đã gây tranh luận khi đưa ra quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng bài tập, môn tập thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy...

Nguồn: Pháp luật Plus