Giải bài toán chuyển đổi số quốc gia trong doanh nghiệp Việt

11/12/2021 16:31

Kinhte&Xahoi Tiếp nối phiên tham luận thứ nhất sáng nay, chiều 11/12, diễn ra phiên tham luận thứ hai với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số giải bài toán chuyển đổi số quốc gia”, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp số Việt Nam lần thứ III do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức. Dự chỉ đạo có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ số chiều 11/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định Việt Nam sở hữu thị trường trẻ, đủ lớn, nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới.

Trong phiên tham luận chiều 11/12, đại biểu bàn các vấn đề: An toàn trên môi trường số - Nền móng của kinh tế số và xã hội số; Xây dựng nền tảng số quốc gia cho phát triển toàn diện lĩnh vực logistics - “mạch máu” của nền kinh tế; Nền tảng y tế số - giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn dân mọi nơi, mọi lúc; Nền tảng định danh số cho tất cả người dân là yếu tố căn bản cho quá trình xây dựng quốc gia số; “Đại học số” - con đường phát triển nhân lực số cho Việt Nam; Nền tảng số cho sản phẩm OCOP để xây dựng “Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”; Khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát - bản lề cho phát triển công nghệ số Việt Nam.

Thủ tướng tham quan gian hàng tại Diễn đàn chiều 11/12

Điểm nhấn của Diễn đàn sẽ diễn ra vào cuối phiên là Bộ TT&TT tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức chọn 5 sản phẩm tiêu biểu trưng bày tại sự kiện. Trước giờ bắt đầu phiên chiều, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến tham quan ngắn trước các gian hàng này.

Make in Vietnam để phát triển, vươn ra thế giới

 Mở màn phiên thảo luận buổi chiều, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT gửi lời chúc mừng cộng đồng 64.000 doanh nghiệp số vì ngày mai (12/12) là ngày riêng của ngành. Kể từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần 1 vào năm 2019, các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số được thống nhất dưới một cái tên là doanh nghiệp công nghệ số. Doanh thu của cộng đồng này năm 2021 ước đạt trên 135 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn chiều 11/12

Tại Diễn đàn VFTE lần thứ 2, "Make in Vietnam" được nhắc đến như là giải pháp đưa Việt Nam đi ra thế giới, trở nên hùng cường. "Không Make in Vietnam thì không thể phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường, thịnh vượng. "Make in Vietnam là tự hào Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tại Diễn đàn VFTE lần thứ 3 hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp số vẫn tăng trưởng gần 10%. Các doanh nghiệp, nền tảng số là tài nguyên, dữ liệu của Việt Nam.

Ông Hùng cho hay, việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại, công ty vĩ đại. Vĩ đại vì tạo ra những nền tảng phục vụ cho hàng triệu người dân, tạo tiền đề phát triển bền vững trong năm 2045. Những việc cụ thể được giao cho các đơn vị cụ thể, có cơ chế hỗ trợ thì cái khó được giải quyết.

"Chúng ta có niềm tin vào sự sáng tạo của doanh nghiệp là vì phía sau mỗi doanh nghiệp là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính", ông Hùng nói.

Mỗi người dân Việt Nam sẽ là một công dân số

 Bộ trưởng Bộ TT&TT thông tin, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ; Mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.

Công nghệ số tạo ra 3 xu thế: Phi trung gian hóa, phi tập trung hóa, phi vật chất hóa. Điều này giúp cho kinh tế hiệu quả, tăng năng lực cạnh ttranh.

Chuyển đổi số tạo ra dữ liệu như một loại đất đai mới. Từ trước đến nay, trong suốt chiều dài lịch sử, con người chỉ tiêu xài tài nguyên. Chuyển đổi số là sáng tạo của toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân. Theo ông Hùng, để làm điều này chúng ta cần công bố bài toán chuyển đổi số ở tầm quốc gia, bộ ngành và địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đầu mối.

Trong tương lai, một trang web quốc gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số được thiết lập, có cả các bài học từ thành công, thất bại. Mỗi người dân Việt Nam thành công dân số.

Cuối cùng, để thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh, đi đúng hướng, một bộ chỉ số để đo lường và đánh giá là quan trọng. Trong tương lai sẽ có bộ tiêu chí đánh giá, tiếp theo bộ chỉ số đo lường kinh tế số sẽ ban hành trong năm nay.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chủ yếu dựa vào công nghệ số. Khoa học công nghệ của thập kỷ này cũng là công nghệ số.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tập trung vào tự động quá, thông minh hóa. Các doanh nghiệp công nghệ số cần hành động nhanh, hiệu quả. Ông Hùng vui mừng khi Diễn đàn Quốc gia doanh nghiệp công nghệ số 2021 sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cuối cùng, ông tuyên bố khai mạc diễn đàn với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế".

 Diễn đàn Quốc gia doanh nghiệp công nghệ số 2021 là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư.

Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng để huy động nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chủ đề của diễn đàn năm nay là "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế". Các diễn giả sẽ tập trung bàn về các giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời phân tích nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng...

 Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/giai-bai-toan-chuyen-doi-so-quoc-gia-trong-doanh-nghiep-viet-185348.html