Giải quyết vấn nạn sách lậu: Cần hình phạt đủ sức ‘nặng’

25/07/2020 10:09

Kinhte&Xahoi Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” – vì vậy, muốn giải quyết nạn in và phát hành sách lậu thì hình phạt đủ sức nặng là điều cần thiết hơn bao giờ hết…

Thời gian gần đây, hoạt động in và phát hành sách lậu đang có những diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Trong đó, xuất bản phẩm của NXB Giáo dục bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, địa bàn, cũng như mức độ công khai.

“Bóc trần” hàng loạt vụ in lậu lớn

Theo thống kê của NXB Giáo dục, từ năm 2010 đến nay, đơn vị này phát hiện gần 600.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và trên 10 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Cụ thể: Năm 2010, NXB Giáo dục phát hiện gần 50.000 cuốn sách lậu trong kho và một khối lượng sách lậu khác đang in do Đỗ Đức Thọ cùng vợ và Đỗ Đức Thanh với danh nghĩa Công ty Cổ phần Phát hành Sách và Thiết bị Trường học Việt Nam (Hà Nội) thực hiện;

Số lượng lớn sách giáo khoa lậu bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện. Ảnh: Tổng Cục QLTT .

Năm 2013, 10.000 bản sách lậu được phát hiện tại cơ sở đóng xén Trọng Nhân, quận Tân Phú, TP.HCM; 18.039 bản sách lậu tại Bắc Giang; Năm 2015, phát hiện 51.202 bản sách lậu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Giáo dục Văn Hiến, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.

Năm 2016, 41.503 bản sách in lậu được thu giữ tại thôn An Trại, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Năm 2018, phát hiện 12.851 bản sách lậu tại Nhà sách Kiều Trâm, thành phố Tây Ninh; Năm 2019, cơ quan chức năng thu giữ 47.000 bản sách lậu, 87.000 đĩa tiếng Anh lậu tại huyện Hoài Đức, Hà Nội; 72.602 bản sách lậu tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 2020, trong đợt ra quân mới đây, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ hơn 27.000 bản sách giáo khoa (SGK) lậu tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; đồng thời thu giữ tới 2.278 bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên NXB Giáo dục tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Nhiều hệ quả nguy hại

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Lê Thành Anh - Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban thường trực triển khai chống in lậu NXB Giáo dục cho biết, việc sử dụng sách giáo dục giả sẽ dẫn đến nhiều hệ quả. Trước hết, việc sản xuất và tiêu thụ sách giả nói chung và sách giáo dục giả nói riêng là hành vi xâm hại trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, đơn vị xuất bản, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất – kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, việc sử dụng sách giáo dục làm giả, làm nhái không bảo đảm về nội dung chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Cụ thể, sách giáo dục giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, bị thiếu dữ liệu hoặc không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến những sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh, là điều đáng lo ngại nhất.

Sách giáo dục giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không bảo đảm quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất của học sinh, đặc biệt là ảnh hưởng tới thị lực.

Trong trường hợp sử dụng sách giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập trang dữ liệu online và không sử dụng được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ trong học tập. Điều này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập, rèn luyện tiếp thu kiến thức của học sinh.

“Bên cạnh đó, việc sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả, vi phạm pháp luật ngay trong nhà trường, nơi hằng ngày đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật của thế hệ này về lâu dài. Chưa kể đến các sản phẩm bản đồ, sách lịch sử bị làm giả, cập nhật kiến thức không chuẩn sẽ còn ảnh hưởng tới công tác giáo dục học sinh về lịch sử dân tộc, về chủ quyền lãnh thổ quốc gia” – ông Lê Thành Anh nêu quan điểm.

Vỏ quýt dày cần có móng tay nhọn

Để đẩy lùi vấn nạn sách lậu, ông Thành Anh cho hay, trước hết, cần phải điều chỉnh, nâng cao khung hình phạt đối với in và đặc biệt là hành vi phát hành sách in lậu. Cụ thể, Nghị định 159 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành từ năm 2013. Những chế tài chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt hành chính. Số tiền xử phạt vài chục triệu đồng quá nhỏ so với lợi nhuận lên tới hàng chục tỷ đồng từ hoạt động in và phát hành sách lậu.

Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã nâng khung hình phạt đối với hành vi in lậu. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ khung hình phạt cho hành vi phát hành sách in lậu, nên phần lớn vụ việc được phát hiện chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Sau khi nộp phạt, các đối tượng tiếp tục phát hành sách lậu một cách "tinh vi" hơn, mức độ cao hơn.

"Về phía NXB Giáo dục, chúng tôi có phản ánh, kiến nghị, đề xuất tại các cuộc hội thảo, cuộc họp với cơ quan quản lý Nhà nước, xung quanh vấn đề này. Trong khi chưa có những quy định kịp thời đủ sức răn đe, NXB Giáo dục nỗ lực tự mình kiểm tra, phát hiện và phối hợp các cơ quan chức năng, báo đài, để dư luận xã hội, bạn đọc nhận thức rõ tác hại và nói không với sách in lậu, bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Ngoài việc nỗ lực cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời SGK tới học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước, NXB Giáo dục tích cực phối hợp sở GD&ĐT các địa phương để khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của NXB Giáo dục, các công ty sách - thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ nguồn trôi nổi trên thị trường", ông Thành Anh chia sẻ.

 Thanh Tùng  - Vietq.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xây dựng đội ngũ làm báo Thủ đô vững vàng về phẩm chất, năng lực và đạo đức

Sáng 25-7, tại Trung tâm Hội nghị Công đoàn (số 1, phố Yết Kiêu, Hà Nội), Đại hội Hội Nhà báo thành phố Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.

Link bài gốc http://vietq.vn/giai-quyet-van-nan-sach-lau-can-hinh-phat-du-suc-nang-d176645.html