UBND thành phố Hà Nội quyết định giao cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 về cho Sở Giao thông vận tải quản lý. Ảnh: Lê Khánh.
Theo đó, danh mục tài sản cầu Vĩnh Tuy 2 bao gồm: Cầu chính, cầu dẫn, đường đầu cầu, điện chiếu sáng bên trong dầm hộp, tổ chức giao thông... Giá trị tài sản của cầu Vĩnh Tuy 2 được tạm thời xác định trên cơ sở giá trị nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư là 1.827 tỷ đồng (giá trị tài sản được xác định chuẩn xác sau khi có quyết định phê duyệt quyết toán dự án đầu tư của cơ quan có thẩm quyền).
Sau khi tiếp nhận, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì theo quy định; thẩm định, phê duyệt dự toán bổ sung khối lượng công tác quản lý, bảo trì công trình vào gói thầu quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông theo địa bàn quản lý.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đầu tư, đưa vào khai thác từ ngày 30-8-2023.
Cầu Vĩnh Tuy 2 ngập úng nhiều đoạn trong cơn mưa chiều ngày 15-5 vừa qua. Ảnh cắt từ clip: Sơn Pham
Sau cơn mưa lớn chiều ngày 15-5-2024, cầu Vĩnh Tuy 2 bị ứ đọng, ngập nước trên mặt cầu, dẫn đến khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện.
Lý giải nguyên nhân cầu bị ứ đọng, ngập nước, ông Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, cầu Vĩnh Tuy 2 bảo đảm khả năng thoát nước theo cường độ mưa và tần suất thiết kế. Từ thời điểm đưa công trình vào khai thác, Ban quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu thi công dọn dẹp, vệ sinh định kỳ, khơi thông các vị trí thoát nước mặt cầu. Tuy nhiên, do lượng rác thải thường xuyên, quá lớn và chưa kịp thời xử lý nên đã lấp kín các nắp hố thu thoát nước, khi mưa lớn đã xảy ra tình trạng ứ đọng nước.
Ban Quản lý dự án cũng đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đẩy nhanh công tác tiếp nhận bàn giao công trình, làm cơ sở giao cho đơn vị quản lý tổ chức duy tu, duy trì và vận hành theo quy định.
Tuấn Lương - Hà Nội mới