Giao thông tại 19 tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 thông suốt

22/07/2021 06:29

Kinhte&Xahoi Đó là lời khẳng định của Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT tại khu vực phía Nam tại cuộc họp giao ban công tác vận tải hàng hóa giữa Bộ GTVT và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố chiều tối ngày 21/7.

Tận dụng thêm xe taxi để phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết trong TP HCM

Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ GTVT, chiều ngày 19/7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ đã có mặt tại TP HCM và ngay trong đêm đã tiến hành đi kiểm tra ngay các chốt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM. Trong ngày 20 và 21/7, Tổ liên tục di chuyển trên các tuyến luồng xanh, kiểm tra các chốt trên các tuyến Quốc lộ và các điểm ra vào cửa ngõ, tham gia các hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trao đổi với các lực lượng tại chốt trên QL1K, tỉnh Bình Dương.

Qua nhìn nhận, nắm bắt tình hình thực tế, thấy rằng áp lực giao thông là không lớn, việc các Sở GTVT đã triển khai cấp QR CODE qua phần mềm và các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện đã nắm rõ quy trình đăng ký, cấp giấy thông hành nên việc kiểm soát luồng xanh là hiệu quả; tuy nhiên cán bộ, lực lượng tại các chốt cũng cho biết do các quy định thường xuyên có sự điều chỉnh theo tình hình thực tế nên nhiều hướng dẫn chưa thực sự rõ ràng hoặc chưa triển khai xuống tận chốt kịp thời dẫn đến cách hiểu còn khác nhau, từ đó việc tổ chức thực hiện cũng chưa thực sự thống nhất giữa các chốt; Tổ công tác phải trực tiếp giải thích, hướng dẫn…

Bên cạnh đó, Tổ trưởng tổ công tác cũng liên hệ trực tiếp với lãnh đạo địa phương, GĐ Sở GTVT để trao đổi, thống nhất các nguyên tắc tổ chức vận tải hàng hóa gắn với thực hiện nghiêm phòng chống dịch. Sau đó, TP HCM đã đưa thêm phương án tận dụng và cấp phép cho các xe taxi để tăng cường thêm năng lực cung ứng hàng hóa thiết yếu đến tất cả các địa bàn nội thị thành phố.

Ùn tắc tại cửa ngõ TP Hà Nội, Hải Phòng đã được giải quyết

Về tình trạng ùn tắc tại các tuyến cửa ngõ TP Hà Nội và TP Hải Phòng hai ngày qua, theo báo cáo của hai địa phương, nguyên nhân do thành phố áp dụng những nguyên tắc chặt để kiểm soát dịch bệnh thì một số lượng rất lớn phương tiện đang di chuyển đến mà lái xe chưa nắm được quy định mới dẫn đến mất thời gian để kiểm tra giấy xét nghiệm của lái xe, hỗ trợ xét nghiệm cho lái xe và cấp giấy lưu hành…

Một lý do mà Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT Quốc gia cũng cho biết khi trực tiếp xuống hiện trường là do một số không nhỏ các lái xe do phải chờ lâu đã khóa xe, rời khỏi xe hoặc ngủ quên trên xe dẫn đến ùn tắc lưu thông kéo dài…Trực tiếp Ông Hùng và lực lượng CSGT và TTGT phát loa để thông báo và gọi các lái xe để di chuyển…

Trước tình hình thực tế, 2 thành phố cũng đã nghiên cứu các hướng dẫn của Bộ GTVT, TCĐBVN và thay đổi phương pháp kiểm soát dịch như cấp giấy thông hành qua phần mềm, thông báo rộng rãi về các yêu cầu y tế đối với lái xe để lái xe chủ động xét nghiệm, tiến hành kiểm tra xác suất, kiểm tra đầu cuối, riêng Hải Phòng cho phép phương tiện đi đến Cảng và sẽ tiến hành kiểm tra trước khi cho vào Cảng, TP Hà Nội cũng đã lập luồng xanh, cấp thẻ nhận diện cho 21 phương tiện, thông qua Sở GTVT TP HCM để cấp QR CODE thông hành cho 1.117 phương tiện đi đến Hà Nội, cấp Logo ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa dễ hỏng…; chính vì vậy, cho đến chiều ngày 21/7, giao thông đã đảm bảo lưu thông, không để ùn tắc kéo dài.. 

TCĐB cũng cho biết thêm, hiện nay, ngoài luồng xanh Quốc gia đã công bố, tất cả các Sở GTVT đã triển khai “luồng xanh” trên địa bàn nội tỉnh, kết nối với luồng xanh Quốc gia cho xe ô tô vận tải hàng hoá trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Về việc tạm dừng thu phí tại các trạm BOT, từ 0h ngày 20/7, 10 Trạm BOT do Bộ GTVT quản lý đã tạm dừng và cho đến 12h ngày 20/7, 10 trạm BOT do các địa phương quản lý cũng đã tạm dừng thu phí . Các Trạm thu phí BOT không nằm trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gồm 5 trạm tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng thực hiện miễn thu phí các phương tiện vận chuyển thuốc men, thiết bị, máy móc, vật tư, hàng hóa qua trạm theo quy định.

Theo báo cáo của các Sở GTVT, tính đến 12h ngày 20/7 đã cấp được 2.667 xe. Luỹ kế đến nay đã cấp được 41.868 xe. Theo thống kê trên hệ thống của Tổng cục ĐBVN, tính đến 15h ngày 21/7đã cấp được 2.845 xe. Luỹ kế đến nay đã cấp được 3.408 xe/50 địa phương.

Vẫn còn tồn tại, khó khăn vướng mắc

Theo phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp, hiện nay giấy xét nghiệm âm tính có hiệu lực trong vòng 72 tiếng là ngắn, khiến các doanh nghiệp và lái xe bị động, tốn kém thêm về chi phí. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lái xe là đối tượng đặc biệt không phải cách ly y tế bắt buộc sau khi trở về từ vùng dịch cũng dẫn đến nhiều địa phương chưa áp dụng chỉ thị 16 vẫn yêu cầu lái xe trở về từ vùng dịch phải cách ly y tế mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhiều địa phương chỉ công nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.

Tuy đã được quan tâm nhiều hơn, nhưng hiện nay lao động trong lĩnh vực vận tải vẫn chưa phải là đối tượng thuộc nhóm ưu tiền hàng đầu để được tiêm vaccine.

Các địa phương chưa chủ động chuẩn bị, xây dựng phương án tổ chức vận tải, điều tiết giao thông, kiểm soát phương tiện trong điều kiện giãn cách theo chỉ thị 16 cũng dẫn đến việc ùn tắc kéo dài khi khẩn cấp áp dụng như Hà Nội, Hải Phòng vừa rồi…   

Phải chấp hành nghiêm việc xét nghiệm y tế, quản lý luồng xanh

Rất chia sẻ với sự khó khăn của các địa phương đang căng mình chống dịch, đồng chí Bộ trưởng biểu dương tinh thần, sự nỗ lực của Sở GTVT các tỉnh, các lực lượng của địa phương trong tổ chức lưu thông hàng hóa, cho đến nay hoạt động vận tải hàng hóa đã cơ bản thông suốt, không để xảy ra thiếu hàng hóa cho vận tải ách tắc….

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ khi ban hành các hướng dẫn phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất cao khi triển khai thực hiện; các Sở cũng cần nâng cao tính chủ động trao đổi, hỏi ngay khi chưa hiểu, chưa rõ; đồng thời các tỉnh, thành phố cũng phải tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thống nhất việc áp dụng các quy định trong cùng một điều kiện giãn cách xã hội; tinh thần là phải khẩn trương và tuyệt đối không để gián đoạn lưu thông hàng hóa. Yêu cầu thống nhất quan điểm đó là phải chấp hành nghiêm việc xét nghiệm y tế, quản lý hoạt động luồng xanh, không để các phương tiện, lái xe lưu thông trái phép, tùy tiện…

Để làm rõ hơn các quy định về y tế, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phải làm việc trực tiếp với Bộ Y tế để làm rõ các quy định tại văn bản 5753 và tiếp tục kiến nghị về việc kéo dài hiệu lực giấy xét nghiệm COVID đối với đội ngũ lái xe. Đồng thời quán triệt các địa phương phải hiểu rõ, việc cấp giấy thông hành bằng QR Code chỉ áp dụng đối với phương tiện đi và đến các địa phương áp dụng chỉ thị 16, tránh việc cấp không đúng quy định, không đúng đối tượng phát sinh thêm thủ tục cho doanh nghiệp và lái xe.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng quán triệt việc các địa phương dù chưa áp dụng Chỉ thị 16 phải chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông để luôn trong tình trạng sẵn sàng, khi triển khai cũng cần có “dự lệnh” trước để các doanh nghiệp vận tải, lái xe biết và chấp hành... Cũng như phải lên dự báo, phương án tổ chức giao thông tại thời điểm ngay khi các lệnh giới hạn được dỡ bỏ.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu 4 tổ kiểm tra của Bộ phải tăng cường kiểm tra các Doanh nghiệp, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm khắc.

Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-thong-tai-19-tinh-dang-ap-dung-chi-thi-16-thong-suot-d161300.html