Giữ bình tĩnh giữa “bão” dịch

11/03/2020 09:41

Kinhte&Xahoi Sau hàng loạt thông tin các ca nhiễm covid-19 mới tại Việt Nam, tâm lý lo lắng xuất hiện trong người dân. Từ sự hoảng sợ ấy, người ta làm ra nhiều hành vi xấu xí, gây tổn thương nhau, ảnh hưởng xấu đến cục diện.

Phun khử trùng đường phố phòng, chống dịch bệnh.

Ngay sau thông tin Hà Nội xuất hiện người thứ 17 nhiễm Covid-19 sau khi trở về từ chuyến du lịch châu Âu khiến một đoạn phố Trúc Bạch lẫn một bệnh viện tư nhân bị cách ly, rồi đến một loạt các ca nhiễm tiếp theo tại Việt Nam cũng trên cùng một chuyến bay với bệnh nhân trên, người dân Hà Nội và các thành phố khác bắt đầu trở nên lo lắng và bất an. Các siêu thị, chợ lớn nhỏ có hiện tượng bị người dân “vét sạch hàng”.

Cạnh đó, không ít người nổi giận và trút giận lên “người nhiễm bệnh thứ 17”, tức cô gái trở về từ châu Âu nói trên. Hình ảnh trên mạng xã hội của cô gái từ khá lâu trước đây được đào bới lại, hình ảnh một số người trong gia đình cô gái cũng được cư dân mạng truyền nhau để chửi rủa.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư TP HCM:

“Việc nhiều người “đục nước béo cò”, tung tin giả về dịch bệnh là một hành vi cực kì thiếu ý thức, gây hoảng loạn trong cộng đồng, khiến tình hình dịch bệnh càng trở nên căng thẳng, khó kiểm soát hơn, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Ví dụ trường hợp bệnh nhân thứ 17 nhiễm covid-19, chung quanh cô N. này không biết bao nhiêu luồng thông tin nhiễu loạn, từ gia thế đến những điểm đến khi về nước, rồi những người bay cùng chuyến. Người ta thấy thông tin về người cùng chuyến bay của cô N. có mặt ở khắp nơi, thậm chí nhiều người không liên quan cũng bị lấy tên tuổi, hình ảnh ghép vào.

Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, đáng bị lên án và xử lý. Pháp luật cũng có quy định rõ ràng tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng về những hành vi này. Mới đây, ngày 3/2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện để thay thế Nghị định 174 trước đây chưa đủ tính răn đe.

Nghị định mới có hiệu lực từng tháng 4, cá nhân có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc gây ra hậu quả sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng, đồng thời trường hợp cá nhân vi phạm hành vi này nhiều lần, không tuân thủ cam kết, gây nguy hiểm cho xã hội có thể bị xử lý hình sự.

Trên thực tế, thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã xử lý mạnh tay với các hành vi nói trên. Cùng với Nghị định mới ban hành, hy vọng thời gian tới sẽ góp phần hạn chế nạn tin giả gây hoang mang dư luận và nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt trong thời điểm này”. 

Nữ bệnh nhân này trong khi đang điều trị đã bị stress vì đọc phải những lời xúc phạm dành cho mình, các bác sĩ điều trị cũng đã khuyên cô tạm thời ngưng tiếp xúc với mạng xã hội để tránh căng thẳng tinh thần. 

Không ít nạn nhân khác cũng tự nhiên bị “tai bay vạ gió” từ các tin giả xuất hiện gây nhiễu loạn. Tấm ảnh một cô gái trong bệnh viện xuất hiện rộng rãi trên mạng xã hội, được chú thích là “tình hình của N. (bệnh nhân thứ 17-PV) hiện tại”.

Sau đó, người nhà của nhân vật trong bức ảnh phải lên mạng cầu xin cộng đồng mạng tha cho em gái mình, bởi đây thực chất là một nữ bệnh nhân bị viêm cơ tim đang trong quá trình điều trị, lại bị những đối tượng xấu cố tình tung tin giả, chú thích sai để “câu view”.

Hàng loạt tin giả khác về N. cũng khiến nhiều người, nhiều đơn vị khác điêu đứng. Một thương hiệu thời trang nổi tiếng quốc tế mới khai trương tại Việt Nam được cho là đã từng có sự xuất hiện của N. tại lễ khai trương; một bar tại Hà Nội cũng dính tin đồn tương tự, rơi vào tình trạng vắng khách. Thậm chí, một thương hiệu thép nổi tiếng phải đăng đàn đính chính tin đồn đang lan rộng rằng bố cô gái là lãnh đạo cao cấp của tập đoàn này.

Những cơn phẫn nộ, lo lắng, hoảng loạn, chửi bới lan rộng khắp mạng xã hội khiến người ta trở nên hẹp hòi và xấu xí hơn. Một số chuyên gia y tế cũng lên tiếng cho rằng, thay vì chửi bới, chỉ trích quá nặng nề người bệnh, việc cần làm là tập trung chống dịch, phòng bệnh cho bản thân và trang bị các thông tin về dịch bệnh.

Đồng thời, việc công bố quá rõ ràng về tên tuổi, đời tư của bệnh nhân nhiễm cũng là điều một số chuyên gia y tế đặt vấn đề cần cân nhắc vì lo sợ thái độ của cộng đồng sẽ khiến nhiều người sợ hãi và giấu bệnh. 

Một điều đáng mừng là hai ngày sau tình trạng tích trữ hàng hóa tại Hà Nội và một số thành phố lớn thì tình hình tiêu thụ thực phẩm bắt đầu ổn định trở lại. Một phần nguyên nhân của hiện tượng này là nhờ thông điệp “bình tĩnh sống, không tích trữ thực phẩm” đang lan tỏa rộng khắp mạng xã hội.

Một số hot facebooker, người nổi tiếng sau khi đăng bài viết chia sẻ bí quyết tích trữ thực phẩm mùa dịch đã nhận không ít bình luận chê trách từ fan hâm mộ đã phải gỡ bài viết, xin lỗi. Nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng đã lên tiếng đưa ra những thông điệp tích cực.

“Hà Nội ơi cố lên. Mọi người bình tĩnh sống, vui vẻ không hoảng loạn, không tích trữ, cùng nhau vượt qua bão dịch”. Đó là lời nhắn nhủ của người dân các vùng miền đến người dân Hà Nội, cũng là nhắn nhủ nhau bình tĩnh sống, đoàn kết, tương trợ và nâng cao ý thức để cùng vượt qua dịch bệnh. 

Chế độ ăn tăng sức đề kháng phòng dịch

Nhu cầu về dinh dưỡng của con người phụ thuộc vào tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý. Năng lượng từ ngũ cốc chiếm 55-67% tổng năng lượng khẩu phần hàng ngày, chất béo 20-25% và 13-20% từ đạm. Có thể bổ sung chất đạm bằng cách ăn đa dạng, phối hợp 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên phối hợp cân đối giữa đạm động vật và thực vật, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...

Bên cạnh đó chú ý bổ sung chất béo. Nhóm chất béo bao gồm mỡ động vật và dầu thực vật, cung cấp năng lượng, hỗ trợ cơ thể hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Khẩu phần hàng ngày nên phối hợp cả chất béo động vật (60%) và thực vật (40%). Không nên thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng các chất béo thực vật.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm nhiều rau xanh và quả chín. Nên ăn các loại quả chín màu vàng, đỏ, da cam như đu đủ, hồng, dưa hấu, cam, quýt vàng. Rau xanh còn là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Trong đó, các vitamin A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm, selen... có vai trò quan trọng trong tăng sức đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh.

(Th.s, BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng)
 

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quân đội, công an sẵn sàng chống dịch

Ngày 10/3, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong Quân đội.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/giu-binh-tinh-giua-bao-dich-d119096.html