Giữ vững truyền thống gia đình trong dòng chảy hiện đại

24/06/2022 16:46

Kinhte&Xahoi Nhịp sống ở thành phố hiện đại hối hả, gấp gáp, ai cũng bận rộn, ai cũng muốn sống theo ý mình. Làm thế nào để cân bằng và duy trì, giữ vững truyền thống gia đình, đó là một câu hỏi mà chắc nhiều người trẻ tại Hà Nội ngày nay quan tâm.

Hiện đại nhưng đừng quên truyền thống

 Gia đình là tế bào của xã hội nhưng cá nhân lại là tế bào của gia đình. Vì thế, nếu mỗi cá nhân thay đổi thì gia đình ít nhiều cũng bị thay đổi theo. Nếu so sánh thế hệ trẻ của ngày nay và thế hệ trẻ của 20 năm trước thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy có nhiều sự khác biệt. Cùng với kinh tế phát triển, xã hội có nhiều thay đổi, đời sống khấm khá, thế giới “phẳng” hơn, công nghệ tiên tiến hơn… đã tạo nên một thế hệ gen Z phong cách, sành điệu, hiện đại chưa từng thấy.

Các bạn trẻ có thể ngồi ở Việt Nam order những món hàng mình thích, kéo thế giới lại gần hơn. Các bạn trẻ có thể tự đi du học, có thể tạo lập nên các giá trị mà thế hệ cha, anh trước đây chưa từng làm được. Dù vậy, có một bộ phận nhỏ các bạn trẻ hiểu sai hoặc hiểu nhầm hai khái niệm độc lập và tự lập.

Minh An, một bạn trẻ ở quận Hà Đông, Hà Nội khi vừa bước chân vào đại học cũng là lúc bạn… dọn ra khỏi nhà. Không phải vì tò mò cuộc sống ở trọ, ở kí túc xá như các bạn cùng trang lứa từ các tỉnh thành khác về Hà Nội học. Không phải vì gia đình bạn có mâu thuẫn, không thể sống được. Lí do của Minh An rất đơn giản: cô muốn tự lập.

Gia đình là nơi che chở, yêu thương chúng ta suốt cả cuộc đời (Ảnh minh họa)

Thế là, Minh An tự đi làm thêm để trang trải học phí, sinh hoạt phí của bản thân. Dần dần, sự “qua lại” giữa cô và người thân chỉ ở mức… xã giao. Những người bạn, đồng nghiệp với Minh An lại thân thiết, gần gũi hơn cả cha mẹ, em trai. Họ mới là những người Minh An tìm đến khi buồn, khi thất bại chứ không phải là gia đình.

Tương tự, Thùy Chi, một bạn trẻ ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng nhất quyết chuyển khỏi nhà khi tốt nghiệp đại học và đi làm. Cô muốn được tự do, được đi sớm về khuya, được sinh hoạt theo “kiểu” của mình mà không bị gia đình quản thúc. Như một đứa con ở phương xa, dù nhà chỉ cách nhà trọ tầm chục cây số, Thùy Chi chỉ trở về nhà khi được gọi và cũng thoáng chốc là đi ngay.

“Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà”… như câu hát chàng Rapper Đen Vâu vẫn hát, tạo thành bản hit đối với giới trẻ. Như những con chim non, đủ lông đủ cánh chúng ta sẽ rời tổ để tạo lập cuộc sống của mình nhưng gia đình là tổ ấm, luôn che chở, dang rộng vòng tay yêu thương đón chúng ta trở về khi hạnh phúc để sẻ chia hay khi thất bại, giông bão để an ủi, yêu thương.

Gia đình là tổng hòa các mối quan hệ của xã hội, vì thế, chỉ trong gia đình chúng ta mới có đầy đủ tất cả những gì mà con người trong xã hội cần phải có. Những bạn trẻ trên đã nhầm lẫn cho rằng tự lập là phải tách rời gia đình. Thực chất, gia đình như gốc rễ của cái cây, như sợi dây của con diều. Cây muốn phát triển tỏa bóng xanh mát thì càng cần phải gốc rễ bền chắc. Diều muốn bay cao bay xa thì sợi dây phải đủ mạnh, đủ khỏe để níu giữ chúng ta khỏi mất phương hướng.

Đó là truyền thống ngàn đời nay không thay đổi và cho đến mai sau cũng không thay đổi. Vì thế, dù quan niệm sống có hiện đại đến đâu, xã hội có phát triển đến đâu, chẳng một ai có thể sống hạnh phúc mà không có những người thân yêu trong gia đình kề bên, cùng xây đắp, bồi dưỡng tình thân.

Trân trọng từng phút giây bên nhau

Trải qua hai năm dịch bệnh COVID-19, đặc biệt những tháng ngày giãn cách xã hội, những lúc gia đình có người mắc bệnh hoặc có khi cả gia đình đều mắc, chúng ta mới thấy sự mong manh của sự sống đồng thời sự vững bền của gia đình là như thế nào. Dù cuộc sống còn rất nhiều những khó khăn, đặc biệt là những khi nguy cấp như bệnh tật, ốm đau, điều khiến chúng ta vững tâm vượt qua tất cả đó chính là có những người thân để nương tựa, san sẻ, yêu thương.

Tình thân của gia đình không phải bỗng dưng mà có. Nó được bồi đắp từ quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, được lắng đọng, tích lũy qua thời gian, qua năm tháng khi sống trong cùng không gian, sinh hoạt theo nếp riêng, có những kỉ niệm trọng đại trong đời với nhau hay là những phút giây êm đềm cùng trải qua ngày hạnh phúc, lúc khó khăn…

Vì sao mỗi đứa trẻ đều thấy cơm mẹ mình nấu là ngon nhất quả đất, dù sau này đứa trẻ ấy có lớn lên, ăn đặc sản bốn phương trời? Bởi đó là những món ăn, khẩu vị được lựa chọn, chắt lọc, được lặp đi lặp lại trở thành kí ức những năm thơ bé. Tại sao mỗi người đều muốn trở về quê hương, thấy quê hương mình là đẹp nhất dù cảnh vật trên thế gian này phong phú, muôn màu? Bởi cả bầu trời ấu thơ của những năm tháng đầu đời chúng ta đã sinh ra, lớn lên, đi học rồi ra đi từ đấy.

Hãy trân trọng từng phút giây bên nhau (Ảnh minh họa)

Gia đình, quê hương, cha mẹ, anh chị em là những điều mà chúng ta tự nhiên sinh ra đã có. Dù không phải “mất công” để có được nhưng lại là thứ quý giá nhất mà cả cuộc đời mỗi người đều chỉ có thể dùng tình cảm để giữ gìn. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, con người bị quá nhiều thứ chi phối. Nào là quan hệ bạn bè, làm ăn, nào là gia đình riêng, nào là các thú vui cá nhân…

Mỗi thứ đều lấy đi của chúng ta một chút thời gian, có khi là rất nhiều thời gian mà nếu không khéo phân chia, không biết cân nhắc nặng nhẹ thì cuộc sống cứ trôi đi, ta quên mất điều mình nên làm mỗi ngày là vun vén, cùng nhau trải qua những hạnh phúc, tận hưởng những ngọt ngào, tháo gỡ những khó khăn, vượt qua những hoạn nạn.

Chính những điều này sẽ làm mỗi thành viên trong gia đình trở nên gắn bó mật thiết hơn, hiểu nhau hơn, biết hi sinh vì nhau, biết cho đi là nhận về. Có như thế, gia đình mới bền vững qua bất kì sóng gió nào. Có như thế con người mới thực sự vững tâm, tiến ra ngoài cuộc sống, ngoài xã hội đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Bởi sau lưng chúng ta là gia đình, là những người thân yêu hậu thuẫn, che chở, nâng đỡ chúng ta bất cứ lúc nào.

Hương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/giu-vung-truyen-thong-gia-dinh-trong-dong-chay-hien-dai-199463.html