“Gỡ rối” cho thị trường bất động sản

09/12/2023 10:10

Kinhte&Xahoi Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vừa diễn ra; các báo cáo cho thấy những giải pháp vĩ mô phát triển thị trường bất động sản (BĐS) đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đã chứng tỏ hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị cho thấy khả năng hấp thụ tín dụng của thị trường BĐS đang suy giảm, chiếm khoảng 21% tín dụng chung. Trong 10 tháng đầu năm nay, tín dụng địa ốc tăng 6,75%, thấp hơn mức tăng trưởng chung là 6,96%.

Dư nợ kinh doanh BĐS 10 tháng đầu năm đạt 23,1%, vượt cả năm 2022. Đây là mức tăng rất cao, gấp gần 3 lần tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS lại giảm, là lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây. Số liệu trên cho thấy tín dụng đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư BĐS và nhu cầu mua nhà ở chưa được khách hàng ưu tiên hiện tại.

Lý do Ngân hàng Nhà nước nêu ra là cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa nguồn cung cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ phù hợp với nhu cầu phần đông người dân. Trong khi đó, một số dự án gặp khó về pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng, dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn. Một số liệu đáng lưu ý khác, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực BĐS đạt 2,9%, có chiều hướng gia tăng so với cuối năm ngoái.

Thực tế nêu trên cho thấy những giải pháp vĩ mô của Nhà nước để điều chỉnh, phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ các DN BĐS đang “kêu khó” nhưng vẫn muốn giữ giá bán như cũ trong bối cảnh thị trường khó khăn, thì khó có thể giải quyết. Trước tiên, DN BĐS cần cơ cấu lại phân khúc hợp lý thị trường, hạ giá thành.

Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng một số DN BĐS đang “kêu khó” tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, BĐS tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.

“Các DN BĐS phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm. Qua hai hội nghị về BĐS, Thủ tướng đã đề nghị điều này, nhưng đến nay chưa được triển khai tích cực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Còn một vấn đề nữa, vậy nếu DN BĐS vẫn chưa chịu hạ giá và cơ cấu lại phân khúc, thì những người hiện có nhu cầu cấp bách về nhà ở, có nhu cầu mua nhà để ở thực, thì sẽ làm sao? Đây là điều mà chính sách vĩ mô đã dự định. Vì vậy, tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của DN đầu tư dự án BĐS và người mua nhà.

Cùng với sự vận động của cơ chế thị trường, kèm những chính sách linh hoạt, rõ ràng như trên; nhất định thị trường BĐS sớm hoàn toàn an toàn, lành mạnh, bền vững như mục tiêu Chính phủ đã đặt ra và người dân kỳ vọng.

Minh Khang- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong quý I/2024

Sáng 8/12, chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng và phê duyệt tất cả Đề án VTVL trước ngày 31/3/2024.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/go-roi-cho-thi-truong-bat-dong-san-d201856.html