Gói an sinh xã hội đã đến với người dân huyện Mê Linh

29/04/2020 14:57

Kinhte&Xahoi UBND huyện Mê Linh đã triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến với một số nhóm đối tượng thụ hưởng.

Gói an sinh xã hội đến sớm với người dân huyện Mê Linh (ảnh minh họa).

Từ nay đến ngày 30-4, 100% đối tượng thụ hưởng đợt 1, tương ứng với gần 15.000 người, sẽ nhận được số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Thanh Tám, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh cho biết, căn cứ vào kết quả rà soát bước đầu các nhóm đối tượng dự kiến được thụ hưởng gói an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP, các cơ quan chức năng huyện Mê Linh phân tích và xác định, trên địa bàn huyện có 3 nhóm đối tượng đã có kết quả rà soát chính xác là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng sống ngoài cộng đồng và người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Trên tinh thần đó, ngày 27-4, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh đề nghị UBND huyện xem xét, ban hành quyết định tạm ứng kết dư ngân sách để hỗ trợ cho một số đối tượng trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Ngày 28-4, UBND huyện Mê Linh đã ban hành Quyết định số 1147/QĐ-UBND về việc tạm ứng nguồn kết dư ngân sách huyện để bổ sung cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ 3 nhóm đối tượng nêu trên với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.

Cùng ngày, các phòng, ban chức năng huyện Mê Linh phối hợp với các xã, thị trấn khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ cho 2.541 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; 4.401 nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo và 8.027 đối tượng bảo trợ xã hội đang sống ngoài cộng đồng.

Do huyện Mê Linh là địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao nên các xã, thị trấn đã thông báo danh sách những trường hợp được hỗ trợ trên hệ thống loa truyền thanh, bố trí địa điểm nhận hỗ trợ theo khu dân cư, hẹn giờ cho người dân đến nhận nhằm bảo đảm không tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn, thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch.

Là một trong những người đầu tiên được tiếp cận với chính sách này, ông Lê Ngọc Đào (57 tuổi, ở thôn Văn Quán, xã Văn Khê) cho biết, hiện nay, hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn do vợ đang mắc bệnh trọng, tiêu tốn nhiều tiền điều trị, gia đình còn có mẹ già, cá nhân ông công việc bấp bênh...

“Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội này của Chính phủ đã thật sự trở thành phao cứu sinh của gia đình tôi và những người đồng cảnh”, ông Đào xúc động chia sẻ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày thứ sáu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Hà Nội: Vi phạm nhiều nhưng chưa xử lý kịp thời

Hôm qua, ghi nhận ngày thứ 6 thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội ở Hà Nội cho thấy, những vi phạm không thực hiện đúng quy định trong Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà Báo Hànộimới phản ánh trước đó vẫn tái diễn. Tâm lý chủ quan của nhiều người bộc lộ ngày càng rõ tại các hàng ăn, quán bia, trà đá ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Vi phạm gia tăng, tập trung ở một số loại hình kinh doanh, dịch vụ, nhưng không được lực lượng chức năng xử lý triệt để, kịp thời.

Link bài gốc http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/thoi-su/822612/goi-an-sinh-xa-hoi-da-den-voi-nguoi-dan-huyen-me-linh?fbclid=IwAR2xOBiEW1ZNLBoaMVzCw3UDp6tfEopTHX6rjlc6ep2IVCg9gJrN1DffbL0