Thầy Nguyễn Viết Tiến vẫn mong mỏi một ngày được quay lại bục giảng
Cụ thể, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số 2.923 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018.
Tất cả các giáo viên hợp đồng này đều bị loại không được xét tuyển đặc cách do không đủ điều kiện: “Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.
Như vậy, gần 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội từng có thời gian công tác từ 5 – 20 năm sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển mà không có bất kỳ ưu tiên gì.
Theo thông báo, UBND TP. Hà Nội yêu cầu thực hiện tuyển dụng viên chức giáo dục theo đúng Nghị định 161 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. UBND các quận huyện thị xã báo cáo, đề xuất và phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện.
Đối với các đơn vị tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển: Giao Sở Nội vụ hướng dẫn các đơn vị thống nhất thực hiện theo kế hoạch ban hành kèm theo quyết định 1076 ngày 7/3/2019 của UBND TP.
Đối với các đơn vị tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển: Giao Sở Nội vụ xây dựng, ban hành kế hoạch xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các quận huyện thị xã để các đơn vị làm căn cứ triển khai các bước theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Nội vụ, đảm bảo đúng quy định.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây vừa bị chấm dứt hợp đồng trước thềm năm học mới cho biết điều vô lý ở chỗ Thành phố Hà Nội để cho các huyện tự quyết định phương thức tuyển dụng. Thống kê cho thấy có 9 huyện tổ chức xét tuyển còn lại tổ chức thi tuyển."Nếu vì quyền lợi của giáo viên hợp đồng thì thành phố phải có một văn bản chỉ đạo thống nhất, yêu cầu tất cả các huyện có giáo viên hợp đồng từ 5 năm trở lên tổ chức xét tuyển đội ngũ giáo viên hợp đồng này. Đằng này, không có một sự chỉ đạo nào. Huyện muốn làm gì thì làm. Giáo viên hợp đồng không có bất kỳ một ưu tiên nào" - Thầy Tiến bức xúc.
Thông tin mà Tiền Phong có được thì có giáo viên hợp đồng hơn 20 năm ở Sóc Sơn đã quyết định không tham gia tuyển dụng viên chức và đi tìm công việc khác.
Trước đó, các giáo viên hợp đồng của huyện Ba Vì và Sơn Tây đều bị cắt hợp đồng sau ngày 31/8. Còn huyện Phúc Thọ, Thường Tín thì tiếp tục gia hạn hợp đồng cho các giáo viên hợp đồng.