Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra xưởng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH hóa mỹ phẩm T&T Á Châu
Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, công nhân tại xưởng sản xuất đang làm việc bình thường. Tại hiện trường, Đội Quản lý thị trường số 17 ghi nhận trên 2.000 can nước giặt nhãn D-nee loại 3,8 lít thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D-nee cùng 05 chiếc mô-tơ điện đã qua sử dụng dùng để pha chế thành phẩm không có nhãn hiệu.
Tại xưởng, chủ cơ sở đã phân chia thành nhiều khu sản xuất, khu thành phẩm rất “chuyên nghiệp” như: Khu nguyên liệu 1 và 2, khu bán thành phẩm, khu thành phẩm, khu sản xuất, kho hàng... Đáng nói, để sản xuất ra các sản phẩm nước giặt, nước xả vải, chủ cơ sở đã sử dụng một loạt “công nghệ xô chậu” với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc. Thực tế kiểm tra cho thấy bên trong xưởng sản xuất có rất nhiều vỏ can các nhãn hiệu có dấu hiệu đã qua sử dụng trong tình trạng thủng, méo cùng một lượng lớn vỏ can nhựa trắng trong tình trạng mới, chưa dán nhãn các thương hiệu.
Sản phẩm nước giặt giả mạo nhãn hiệu D-nee, Comfort.
Ông Nguyễn Văn Thái - chủ cơ sở sản xuất thừa nhận, cơ sở nhập chai, thùng để đóng nước giặt, nước xả vải từ một cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nhãn mác đều mang tên của các thương hiệu nổi tiếng nhưng được nhập theo thùng, theo cân.
Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 Nguyễn Đạo An cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm để xác định mức độ vi phạm của sản phẩm”. Hiện Đội Quản lý thị trường số 17 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về trụ sở Đội để bảo quản. Đồng thời, niêm phong toàn bộ mô-tơ điện dùng để pha chế thành phẩm tại địa chỉ sản xuất và giao cho chủ cơ sở tự bảo quản, trông giữ.
Vụ việc tiếp tục được Đội Quản lý thị trường số 17 làm rõ để xử lý theo quy định.
Lê Nam - Theo KTĐT