Hà Nội: Các huyện ngoại thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà cho người già yếu

14/01/2022 19:57

Kinhte&Xahoi Từ 10/1 đến nay, nhiều huyện ngoại thành trên địa bàn Thủ đô đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà cho những đối tượng là người già yếu, người đi lại khó khăn…

Tạo điều kiện để người cao tuổi được tiếp cận vắc xin phòng COVID-19

Trước đó, để đạt đến mục tiêu bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho toàn dân và tiến tới kiểm soát, thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19, ngày 7/1/2022, huyện Quốc Oai đã thành lập tổ tiêm vắc xin lưu động và thực hiện tiêm vắc xin tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19.

Tổ tiêm vắc xin lưu động tại nhà gồm: 1 cán bộ y tế khám phân loại, 1 cán bộ thực hành tiêm chủng và đại diện các ban, ngành đoàn thể, cán bộ thôn… tham gia hỗ trợ và có mặt trong suốt thời gian tiêm chủng.

Huyện Quốc Oai tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà cho người già yếu, khó khăn trong di chuyển trên địa bàn

Qua rà soát, đến hết ngày 12/1, tại 21 xã/thị trấn của huyện Quốc Oai có 512 trường hợp cần được tiêm vắc xin tại nhà.

Từ ngày 10 - 12/1/2022, 13 xã của huyện Quốc Oai đã tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà cho 169 người già yếu, khó khăn trong di chuyển trên địa bàn.

Ngày 13/1, TTYT huyện Thạch Thất đã phối hợp với các đơn vị liên quan, ban, ngành, đoàn thể bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà cho những đối tượng là người già yếu, người đi lại khó khăn...

Hơn 500 trường hợp được tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở nhà tại huyện Thạch Thất

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Thạch Thất có 529 trường hợp cần được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà.

Các tổ tiêm vắc xin lưu động bao gồm cán bộ y tế phụ trách, bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm, bác sĩ khám sau tiêm, nhân viên tiêm chủng cùng lực lượng hậu cần… tại 23 xã, thị trấn đã đến tận nhà tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người già yếu, đi lại khó khăn.

Đảm bảo an toàn tiêm chủng cho người cao tuổi

Việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh tật.

Trước khi tiêm, các bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe cho người được tiêm, tư vấn về tiêm vắc xin. Sau khi tiêm, người được tiêm sẽ được theo dõi sức khỏe 30 phút.

Bên cạnh đó, người nhà và người thân được tiêm và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm tại nhà chặt chẽ trong vòng 24h và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin là yếu tố quan trọng để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới.

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: "Những người mắc COVID-19 bị nặng và tử vong cao thường rơi vào nhóm người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Để bảo vệ người cao tuổi trong đại dịch, chiến lược của các nước đã tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho người người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền cần phải tiêm vắc xin càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân trong đại dịch".

Đa phần người cao tuổi có đủ sức khỏe để tiến hành tiên chủng vắc xin phòng COVID-19, tuy nhiên, cần lưu ý với một số nhóm đối tượng sau: Với nhóm người sa sút trí tuệ, không kiểm soát được hành vi của mình. Nhóm người cao tuổi này cần phải được tiêm vắc xin sớm. Khi nhóm người này đi tiêm cần phải có người nhà đi theo cùng hoặc ngành y tế lập danh sách để tới tận nơi ở để tiêm cho người cao tuổi.

Với nhóm bệnh lý nền, khi đi tiêm vắc xin cần lưu ý nếu mắc bệnh nền như: Tăng huyết áp, đái tháo đường… bệnh lý nền dùng thuốc kèo dài thì vẫn cần phải duy trì dùng thuốc uống theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, các trường hợp bệnh lý nền này phải ở giai đoạn ổn định mới có thể tiêm được vắc xin.

Nhóm người đang có viêm phổi cấp, nhiễm trùng tăng, đường huyết và huyết cao tăng cao… thì tại thời điểm đó không thể tiêm phòng được vắc xin. Thời điểm này nếu tiêm phòng vắc xin có thể dẫn tới nguy hiểm cho tính mạng. Người có bệnh lý nền sẽ được tiêm vắc xin ngay nếu như các bệnh lý nền được kiểm soát tốt, ổn định.

Khác với người trẻ tuổi, người cao tuổi đa phần đã có các vấn đề sức khỏe thường gặp: Tăng huyết áp, thoái hóa khớp, loãng xương, các bệnh phổi tắc nghẽn. Do vậy, khi người cao tuổi mắc COVID-19 thường nặng hơn so với người trẻ.

Nếu người cao tuổi chủ động tiêm vắc xin sẽ có sẵn lượng kháng thể. Trong trường hợp người cao tuổi mắc COVID-19 thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, tỷ lệ nhập viện ít hơn, giảm tỷ lệ tử vong.

"Thực tế trong đợt dịch qua, các trường hợp người cao tuổi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin bị COVID-19 không có trường hợp quá nặng và gần như không có tử vong. Đây cũng là lợi ích lớn nhất của vắc xin phòng COVID-19 đối với tất cả mọi người nói chung và người cao tuổi nói riêng.

Bên cạnh đó, do hệ đáp ứng miễn dịch của người cao tuổi không có sự đáp ứng mạnh mẽ và quá mức như người trẻ tuổi nên người cao tuổi tiêm phòng vắc xin thường có biểu hiện rất nhẹ. Một số phản ứng thông thường có thể xuất hiện sau tiêm vắc xin như: Sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi hết trong vòng một vài ngày, sưng sau tại vị trí tiêm sẽ hết sau 1 tuần", PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh cho biết.

 Phương Thu -TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cac-huyen-ngoai-thanh-tiem-vac-xin-phong-covid-19-tai-nha-cho-nguoi-gia-yeu-188050.html