Đoàn đã trực tiếp dự giờ, thăm lớp học tại các trường học của huyện Mê Linh và làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố dưới hình thức trực tuyến tại điểm cầu UBND huyện Mê Linh.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Quốc Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho biết: Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng công tác dạy học của nhà trường vẫn diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch. Từ ngày 6/4, tất cả học sinh của trường đều đã đi học trực tiếp.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố dưới hình thức trực tuyến
Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ đầy đủ về số lượng, cơ cấu bộ môn và trình độ đáp ứng chương trình mới. Tất cả thầy cô tham gia dạy lớp 6 đều được nghiên cứu về chương trình tổng thể, được tập huấn sách giáo khoa và tham gia lựa chọn sách giáo khoa.
Còn tại trường Tiểu học Tiền Phong A, năm học 2021 - 2022 là năm học thứ 2 triển khai chương trình phổ thông mới, năm học thứ 3 bị ảnh hưởng COVID-19 nên các giáo viên và học sinh đều rất vất vả. Tuy nhiên, nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn, dạy học trực tuyến hiệu quả để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2.
Về việc chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, nhà trường đã phân công toàn bộ giáo viên giảng dạy các môn học, theo đó, 70% giáo viên dạy lớp 2 sẽ theo học sinh lên lớp 3 để giúp học sinh không bỡ ngỡ. Nhà trường cũng đã thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, thống nhất trao đổi đề xuất lựa chọn sách. Cùng với đó, nhà trường đã có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để 100% đạt chuẩn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội dự giờ một lớp học
Sẵn sàng đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới, bà Lương Quỳnh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây cho biết, nhà trường đã phổ biến tới tất cả giáo viên tổ chuyên môn. Khi triển khai chương trình mới, có thể đội ngũ giáo viên sẽ thừa thiếu cục bộ. Do đó, nhà trường dự kiến đưa ra các tổ hợp, tư vấn giúp học sinh lựa chọn tổ hợp tối ưu nhất.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, công tác tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 có nhiều thuận lợi do đây là năm thứ 2 triển khai, giáo viên có tâm thế, kinh nghiệm hơn.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng, vận hành kho học liệu điện tử để hỗ trợ cho giáo viên, cha mẹ học sinh. Dù thời gian dạy học trực tuyến khá dài, song các nhà trường đều khẳng định chất lượng giáo dục đạt yêu cầu.
Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022-2023, báo cáo từ các nhà trường cho biết đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trọng tâm là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên.
Học sinh trường Tiểu học Tiền Phong A (huyện Mê Linh)
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: Với tinh thần chủ động, linh hoạt, thích ứng, các trường học ở Hà Nội đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt chất lượng, bảo đảm tiến độ. Thành phố Hà Nội cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng, tiêu biểu về số lượng trường chuẩn quốc gia; số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế; tiên phong trong việc xây dựng mô hình trường chất lượng cao…
Nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục hỗ trợ học sinh, tận dụng tối đa “thời gian vàng” khi học sinh được học trực tiếp để tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, ngành Giáo dục Hà Nội cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, trong đó lưu ý việc xây dựng các tổ hợp môn phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở từng nhà trường.
Ngọc Minh - TTTĐ