Hà Nội: Cửu vạn "gồng mình" kiếm thu nhập gấp 3 lần trong ngày cận Tết

02/02/2021 15:42

Kinhte&Xahoi Để có thu nhập gấp 3 lần ngày thường, dịp giáp Tết những người làm nghề bốc, xếp hàng hóa phải làm việc thâu đêm, suốt sáng. "Bán" sức lao động, nhiều người thu về tiền triệu mỗi ngày.

Thu nhập gấp 3 lần

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, ga tàu Giáp Bát (Hà Nội) nhộn nhịp những chuyến tàu Nam - Bắc chở hàng nối đuôi nhau vào ga.

Đầu giờ sáng ngày 1/2, vừa hì hục chuyển hàng trên khoang tàu xuống đất, anh Trần Đình Bính (quê trú tại Cao Phong, Hòa Bình) nói: "Tôi làm nghề này đã 9 năm rồi, những ngày này cứ có tàu về là chúng tôi lên đường bất kể ngày hay đêm".

Anh Trần Đình Bính cùng cánh thợ của mình dỡ hàng từ khoang tàu xuống 

Qua một người quen giới thiệu, anh Trần Đình Bính và 7 người đồng hương cùng quê xuống Hà Nội làm công việc cửu vạn. Theo anh, làm nghề này không có giờ giấc cụ thể, những ngày cuối năm trung bình mỗi ngày, cánh thợ của anh làm việc từ 10 - 15 tiếng.

Hàng về tràn ngập sân ga tàu, nhờ đó anh có thể kiếm được hơn 1 triệu đồng mỗi ngày từ công việc bốc xếp. Trong khi những ngày thường, anh chỉ thu được được 250.000 đồng, thậm chí có hôm còn không có việc để làm. Ai đấy đều phấn khởi, cố gắng làm việc để có một cái Tết ấm no.

Cùng đội thợ với anh Trần Đình Bính, anh Lê Văn Tư nói: "Cố làm đến 29, rồi anh em chúng tôi bắt xe khách về. Đây là "mùa làm ăn" nên ai nấy đều cố gắng. Mệt thì ngủ luôn trên thùng hàng, đói thì cũng ăn luôn tại đây. Tôi tranh thủ từng phút vì những ngày nhiều việc như này không có nhiều".

Mỗi 1 tấn hàng, anh được trả 100.000 đồng tiền công bốc vác. Cả đội làm cả ngày, về chia ra, mỗi người được gần một triệu đồng. Theo anh Lê Văn Tư, với thu nhập như thế, ở quê anh với lao động chân tay không có nghề gì bằng được.

Theo anh Lê Văn Tư, mỗi 1 tấn hàng, anh được trả 100 nghìn đồng tiền công bốc vác

Để có thể giữ được khách quen, hàng về đến đâu các anh phải gắng bốc cho xong, không dám từ chối mà động viên nhau làm.

Cũng giống với nhiều cửu vạn khác, dịp Lễ Tết cũng là lúc anh Trần Văn Vinh, quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc "tăng ca" để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết tươm Tất nhất.

"Tôi xin đi cùng cánh xe tải để làm việc. Cuối năm này hàng hóa để bốc xếp cũng khác nhau nên mỗi loại cần 1 kiểu bốc xếp khác. Hàng gốm sứ và cây cảnh là vất vả nhất vì vừa nặng lại yêu cầu người làm phải khéo léo và cẩn trọng, rơi vỡ một cái là công toi cả tuần đi làm" - anh Trần Văn vinh nói.

Anh Vinh cố gắng để gia đình có một cái Tết đầy đủ hơn

Theo anh, để làm được công việc này, phải là người có sức khỏe bền bỉ, nhanh nhẹn và cẩn thận và đặc biệt phải thật thà. Tuy dịp này nhiều việc, nhưng cũng không ít cánh thợ vẫn ngồi chơi vì không được thuê.

"Chủ thuê thường tìm đến những người nhanh nhẹn, hoạt bát vì gần Tết thời gian gấp gáp, tiết kiệm được chút thời gian nào là được thêm tiền, nhiều hôm nằm dài ra vì mệt nhưng vẫn phải cố gắng " - anh Trần Văn Minh tâm sự.

Thâu đêm suốt sáng

Gần 21h cùng ngày, tại chợ Long Biên, những người bốc xếp hàng hóa mới bắt đầu một ngày làm việc mới.

Từng đoàn xe tải lầm lũi tiến vào chở theo những sọt rau củ, hoa quả đầy ăm ắp. Chỉ trong chốc lát, toàn bộ hàng hóa đã được nhóm chị em làm cửu vạn tại chợ nhanh chóng "bao thầu", bốc xếp rồi kéo về  về các kho hàng.

Chị Nguyễn Thị Nga (quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên) có kinh nghiệm 10 năm làm nghề cửu vạn, ở đây cho biết: "Làm nghề này chỉ cần có sức khỏe là được. Đồ nghề thì đơn giản chỉ là một chiếc kéo xe tay, đoạn dây thừng hay vài cái đòn gánh được đẽo bằng thân tre cứng cáp thì mới có thể chịu được sức nặng lên tới cả trăm kg mỗi ngày".

Chị Nguyễn Thị Nga, một người phụ nữ nhỏ bé mỗi đêm có thể làm việc nặng nhọc suốt 10 tiếng đồng hồ

Càng giáp Tết, lượng hàng đổ về chợ nhiều hơn nên công việc của chị sẽ kết thúc vào 7h sáng hôm sau thay vì 3h như ngày thường. Vì thế thu nhập của chị Nguyễn Thị Nga cũng được tăng lên gấp đôi.

Theo chị Nguyễn Thị Nga, những người làm nghề cửu vạn lâu năm đều gặp nhiều vấn đề xương khớp do tính chất làm việc nặng nhọc. Vì vậy, thời gian làm nghề ngắn, không ít người phải chuyển nghề khác.

Làm cật lực từ 21h đến 7h ngày hôm sau, ngày năng suất nhất, chị kéo được khoảng 30 chuyến xe chở hoa quả từ xe tải xuống chỗ buôn bán của các tiểu thương ở chợ. "Bán" 10 tiếng đồng hồ sức lao động, mỗi đêm chị thu về từ 500.000 - 700.000 đồng.

Ngoài sức khỏe, công việc này đòi hỏi sự khéo léo 

Đối với anh Minh, chị Nga hay anh Bính và nhiều người làm nghề cửu vạn khác dịp nghỉ lễ Tết là khoảng thời gian họ phải làm việc cố gắng hơn. Tuy chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, nhưng cũng đủ cho gia đình một cái Tết đầm ấm.

Làm Nghề vận chuyển cây cảnh dịp giáp Tết, cũng là nguồn thu nhập của anh Vũ Văn Việt quê ở Thường Tín, Hà Nội  
Nhiều người cao tuổi cũng tham gia vào công việc này 
Vận chuyển gốm sứ phải thật nhẹ nhàng và khéo léo 

Anh Lê Đình Hà làm nghề bốc vác ở chợ Đồng Xuân mướt mải mồ hôi mặc dù thời tiết khá lạnh 

 Phạm Công - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/ha-noi-cuu-van-gong-minh-kiem-thu-nhap-gap-3-lan-trong-ngay-can-tet-20210201142549109.htm