Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước để xóa “điểm đen” ngập úng

01/11/2022 08:14

Kinhte&Xahoi Thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội về căn bản là bài toán rất khó, cần có những giải pháp lâu dài cũng như những giải pháp cục bộ để giải quyết tình hình trước mắt.

Những “điểm đen” ngập úng

 Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã phải hứng chịu nhiều cơn mưa lớn, gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều nơi.

Những "điểm đen" ngập úng mỗi khi mưa về có thể kể đến như: Lưu vực sông Nhuệ (diện tích khoảng 110 km2): Đại lộ Thăng Long (hầm chui dân sinh số 3, 5, Km 9+ 656); Kẻ Vẽ (đoạn ngã ba chợ Kẻ Vẽ); Phú Xá (ngã 3 Phú Xá – Phúc Hoa); Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên (sau KeangNam); Trần Bình; Phan Văn Trường; Đường Quyết Thắng.Cụ thể, lưu vực Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5 km2): Yên Duyên (đường Vành đai 3); 126 Vĩnh Hưng; Mạc Thị Bưởi; 49 Nguyễn Khoái; Phố Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy); Đường Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ).

Lưu vực Long Biên (diện tích 62km2): Ngô Xuân Quảng (trước cổng ĐH Nông Nghiệp), Nam Đuống (trước tòa nhà An Quý Hưng); Đức Giang (từ chợ Đức Hòa đến ngõ 97), đường Đàm Quang Trung (trước và đối diện siêu thị Aeon mall), Vũ Xuân Thiều, gầm chui xe lửa phố Thiên Đức, đường Cổ Linh, đường Ngọc Lâm (từ ngã ba Long Biên 1 đến XN MTĐT Gia Lâm), trục thoát nước qua ngõ 80 Hoa Lâm.

Khu vực ngoại thành: Đường Quốc lộ 3 (đoạn qua thôn Du Nội xã Mai Lâm) - Từ điểm đầu đường thôn Đồng Dầu đến điểm Ngân Hàng TMCP An Bình và Vietinbank - điểm giao dịch Đồng Dầu đến chợ Mai Lâm; Quốc lộ 3 đoạn qua gầm cầu quốc lộ 18.

Nhiều xe máy, ô tô chết máy khi đi qua đoạn hầm chui dân sinh số 3 (Đại lộ Thăng Long), được sự trợ giúp từ công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 6

Để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập, ngay khi có mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý và vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, DPS… để hạ mức nước trên hệ thống, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước và sẵn sàng đón các trận mưa tiếp theo.

Các thông tin lượng mưa, chế độ vận hành trạm bơm, cửa phai và tình hình úng ngập được cập nhật theo thời gian thực về Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước và lên phần mềm HSDC Maps.

Triển khai nạo vét kênh hộp trên Đại lộ Thăng Long

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao hoạt động yếu dần nên thành phố Hà Nội có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Do đó, công ty tiếp tục triển khai ứng trực, vận hành các trạm bơm nhằm hạ mực mức trên hệ thống đảm bảo thoát nước, phòng, chống úng ngập, sẵn sàng đón mưa tiếp theo.

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, lượng mưa đợt này so với trung bình hàng năm là bất thường. Đối với Hà Nội, lưu vực sông Tô Lịch có thể chịu được trận mưa trên 300mm/2 ngày. Khu vực phía tây Hà Nội về cơ bản các dự án chưa được triển khai nên với lượng mưa như thế này, khu vực phía tây bị ngập là đương nhiên.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội

Ông Sơn cho biết có 2 nguyên nhân để xảy ra tình trạng ngập úng. Một là do lượng mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Thứ hai, đối với khu vực phía tây nam Hà Nội cơ bản các dự án thoát nước chưa được triển khai và các hệ thống chưa được đồng bộ khớp nối cho nên xảy ra việc úng ngập và tải lượng bị quá tải.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước

 Phó tổng giám đốc của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chia sẻ thêm về tiến độ các dự án: “TP Hà Nội chỉ mới đầu tư dự án thoát nước giai đoạn I và giai đoạn II nằm ở lưu vực sông Tô Lịch. Còn đối với lưu vực phía tây nam, Hà Nội cũng đã có ba dự án. Một là cụm công trình đầu mối Liên Mạc. Hai là dự án cải tạo trạm bơm tiêu Đông Mỹ (huyện Thanh Trì).

Ba là dự án ở trạm bơm Yên Nghĩa. Và hiện nay trong ba dự án, mới chỉ có trạm bơm Yên Nghĩa là đang triển khai, và cũng chưa hoàn thành. Ngoài ra, đối với các dự án thành phần ở trong lưu vực ở phía tây nam Hà Nội (tổng khoảng 110 km2) cũng chưa được triển khai nhiều. Thêm nữa, các dự án triển khai manh mún, chủ yếu ở các khu đô thị. Cồn đối với những chỗ tiêu thoát lớn và trạm bơm đầu mối cơ bản chưa triển khai”.

Kênh La Khê dự kiến hoàn thành và bàn giao trong năm ngoái nhưng đến nay vẫn thi công dở dang. Đây là nguyên nhân chính khiến trạm bơm Yên Nghĩa không thể vận hành tối đa công suất tạo ra hiệu quả tích cực trong công tác thoát nước. Dù xin gia hạn đến hết năm 2022 nhưng theo lãnh đạo Ban duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT (Sở NN&PTNT TP Hà Nội), với tình trạng chưa được bàn giao hết đất do vướng mắc trong GPMB, kênh La Khê khó để kịp tiến độ

Về 11 trọng điểm úng ngập, ông Sơn cho biết các điểm này tập trung chủ yếu ở lưu vực tây nam Hà Nội, lưu vực sông Nhuệ, lưu vực sông Cầu Bây - Long Biên. Ở khu vực nội đô, khu vực sông Tô Lịch có 5 điểm. Về nguyên nhân ngập úng, đối với 5 điểm úng ngập ở lưu vực sông Tô Lịch chủ yếu do các dự án chậm triển khai.

Ví dụ như khu vực đường Nguyễn Khuyến đang triển khai dự án của hồ Linh Quang. Khu vực Nhà Hỏa Đường Thành thì dự án đang trình triển khai. Khu vực Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt dự án cũng đang được triển khai và đặc biệt vướng mắc ở nhà ga S2. “Còn đối với các lưu vực còn lại như sông Nhuệ, cơ bản các “điểm đen” này là do chưa được triển khai dự án, chủ yếu là thoát bằng tự chảy cho nên vẫn xảy ra những điểm úng ngập” – ông Sơn cho hay.

Để giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết đã báo cáo với Sở Xây dựng và triển khai các công việc.Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, thoát nước cho Hà Nội về căn bản là bài toán rất khó. Trước tiên, về mặt lâu dài, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm bơm đầu mối, đặc biệt là phía tây nam, phía Long Biên. Trong trường hợp chưa giải quyết được các điểm úng ngập, cần có những giải pháp về cục bộ.

Một là công tác duy trì nạo vét, đảm bảo các hệ thống thoát nước, các nguồn tiêu trước mùa mưa.

Thứ hai, đối với các trạm bơm, các xí nghiệp thành viên thuộc Công ty cũng đã bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo trạm bơm sẵn sàng vận hành trong mùa mưa.

Tổ chức nạo vết cống hộp tại khu vực bến xe Yên Nghĩa

Thứ ba, đối với các đơn vị phối thuộc, Công ty phối hợp trong công tác thanh tẩy tổng tẩy, công tác dẫn dòng thi công. Đối với các đơn vị liên quan như Sở NN&PTNT Hà Nội, các đơn vị thủy lợi, Công ty phối hợp về công tác tiêu úng.

Đối với các trạm bơm nông nghiệp Công ty đã đề nghị phối hợp trong công tác thoát nước trong trường hợp có mua lớn. Khi mực nước dâng cao, sở NN&PTNT Hà Nội sẽ vận hành các trạm bơm để tiêu úng. Cụ thể như trong ngày 23 và 24/5, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã vận hành các trạm bơm, một phần trạm bơm Yên Nghĩa, trạm bơm Ngoại Đồ 1, trạm bơm Ngoại Đồ 2, trạm bơm Vân Đình, trạm bơm khu vực nội đô như trạm bơm Khe Tang. Ngoài ra phối hợp trong công tác thanh thải các dòng chảy đối với các mương tưới tiêu nông nghiệp.

 Hưng Khánh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bão số 7 có sức gió giật mạnh lên cấp 11

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 13.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-thoat-nuoc-de-xoa-diem-den-ngap-ung-209386.html